Hoạt động tài chính của Gang thép Thái Nguyên rơi vào tình trạng "cực kỳ khó khăn", khi số nợ trên vốn chủ sở hữu chiếm tới 82%. Khoản tiền rót vào hơn 5.000 tỉ đồng cũng bị mắc kẹt tại dự án giai đoạn 2 vẫn chưa có lối thoát.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vừa công bố tài liệu các các cổ đông để chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội cổ đông sẽ diễn ra vào ngày 10 - 4 tới.
Theo báo cáo đánh giá của Hội đồng quản trị Gang thép Thái Nguyên, đầu năm 2019, tình hình tài chính của TISCO lâm vào tình trạng "cực kỳ khó khăn", nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn tới phá sản là hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.
Mặc dù công suất hiện có thể đạt sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, nhưng việc triển khai tổ chức sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm.
Bởi theo TISCO, giai đoạn 2017 - 2018 tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do ngày càng có nhiều dự án thép mới đi vào sản xuất, cạnh tranh khốc liệt trong khi nhu cầu thị trường có hạn.
Đó là sự cạnh tranh gay gắt của thép nhập khẩu giá rẻ cùng với sức ép nguồn cung dư thừa của sản xuất trong nước, các doanh nghiệp liên tục giảm giá bán và đẩy mạnh các hình thức chiết khấu để giữ thị phần và duy trì sản xuất.
Trong khi đó, báo cáo Ban kiểm soát nêu rõ tình hình tài chính của Gang thép Thái Nguyên, nêu rõ vốn điều lệ của TISCO năm 2018 là 1.936,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, nợ phải trả chiếm tới 82% cơ cấu vốn, vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 18% trên tổng nguồn vốn.
Một góc dự án nhà máy Gang thép Thái Nguyên - Ảnh: TTO
"Nợ phải trả quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu, gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu cho thấy cơ cấu nguồn vốn của công ty là không an toàn" - báo cáo Ban kiểm soát thông tin thêm là khả năng thanh toán hiện nay của công ty bằng 0,7 lần cho thấy "đang ở trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, không có khả năng trả được các khoản nợ khi đến hạn".
Đặc biệt, với dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, tổng chi phí đầu tư của dự án tính đến thời điểm 31 - 12 - 2018 là 5.093 tỉ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỉ đồng.
Hội đồng quản trị công ty cho biết: mặc dù đã cung cấp tài liệu làm việc, giải trình và đề xuất kiến nghị với các ban ngành liên quan, nhằm tháo gỡ khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được tháo gỡ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thực hiện sản xuất kinh doanh của công ty và tư tưởng người lao động.
Trong cuộc họp xử lý 12 dự án ngành Công Thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì mới đây, ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (chiếm 65% vốn tại TISCO) cho biết hiện nay việc đàm phán với nhà thầu MCC vẫn gặp khó khăn.
Cũng bởi, điều kiện tiên quyết là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án. Do đó, hiện Tổng công ty Thép đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng phía công ty phải làm rõ các vướng mắc, cáo bạch rõ thực trạng dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn.
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cần sớm bàn giao Tổng công ty Thép từ Bộ Công Thương về Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Từ đó thực hiện xử lý dứt điểm hợp đồng EPC và khoản giải chấp bảo lãnh còn vướng mắc để sớm tiến hành cổ phần hóa.
Với kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 công bố ngày 5 - 3 - 2019, TISCO cho biết hiện nay Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc đã lên kế hoạch kiểm điểm, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan nêu tại kết luận thanh tra.
Nguồn tin: Tuổi trẻ