Trong bối cảnh nền sản xuất lao đao vì đại dịch Covid-19 bùng phát, ngành sản xuất thép vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Dự báo, từ nay đến hết năm 2020, sản xuất, tiêu thụ thép sẽ đạt được con số tăng trưởng "đẹp" hơn nữa.
Duy trì tốc độ tăng trưởng dương
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực, tác động xấu đến nhiều ngành sản xuất của nước ta từ đầu năm 2020 đến nay, tuy nhiên, ngành sản xuất thép trong nước sau 11 tháng vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng dương. Theo số liệu thống kê, tháng 11/2020, sản lượng thép thô ước đạt hơn 4.098 nghìn tấn, tăng 17,4% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt hơn 1.048 nghìn tấn, tăng 45,8% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 1.140,9 nghìn tấn, tăng 30,9% so với cùng kỳ.
Tính chung 11 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 4,9%; 13,4% và 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Những năm qua, ngành thép Việt Nam đã có bước tiến dài, và lọt vào top 20 quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Đáng chú ý, cùng với sản xuất kinh doanh được duy trì, tiêu thụ vật liệu xây dựng bắt đầu trở lại vào cuối quý III năm nay là tín hiệu tích cực cho ngành thép từ giờ đến hết năm 2020.
Theo ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trên cơ sở theo dõi tình hình sản xuất, tiêu thụ thép trong 11 tháng năm 2020 có thể thấy, tiêu thụ thép những tháng cuối năm nay sẽ khả quan hơn đầu năm.
"Dự kiến, thị trường thép xây dựng từ nay đến cuối năm sẽ khởi sắc hơn do trong ngắn hạn thị trường nội địa có nhu cầu tiêu thụ thép nhiều hơn, nhiều công trình xây dựng đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Đây là thuận lợi đáng kể cho các doanh nghiệp trong ngành thép đẩy mạnh tiêu thụ. Nhiều khả năng tăng trưởng của ngành thép năm nay sẽ tương đương với năm trước, hoặc có thể tăng nhẹ”, Phó Chủ tịch VSA cho hay.
Còn không ít thách thức bủa vây
Theo thông tin của VSA, đến nay thị trường xuất khẩu chủ yếu của thép Việt Nam là ASEAN và một số thị trường truyền thống khác.
Mặc dù thời gian qua, một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được đưa vào thực thi như CPTPP, EVFTA…và ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường thành viên. Song cho đến nay, doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa khai thác được nhiều, nhất là những thị trường được đánh giá là nhiều tiềm năng như EU, Mỹ, Hàn Quốc…
Trong bối cảnh nguồn cung thép toàn cầu đều có xu hướng dư thừa trong khi nền kinh tế thế giới đang chững lại thì sự phát triển bứt phá của ngành thép Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của các thị trường xuất khẩu
Đáng chú ý hơn, xưa nay thép Việt vẫn phải đối diện với ma trận hàng rào phòng vệ thương mại khắp nơi khi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc chiếm lĩnh thị trường, nâng cao thị phần cũng như kim ngạch xuất khẩu của thép Việt.
Thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho thấy, thép là mặt hàng có số vụ kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trong tất cả các ngành hàng hiện nay, chiếm tới hơn 39% trong tổng số vụ việc các sản phẩm của Việt Nam bị áp dụng. Đến hết tháng 9/2020, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra 9 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến các sản phẩm thép nhập khẩu, trong khi các nước kiện đến 62 vụ, gấp 7 lần kể từ năm 2004 cho đến nay. Trong đó, kiện chống bán phá giá (34 vụ), chống trợ cấp (3 vụ), chống bán phá giá và chống trợ cấp (6 vụ), điều tra áp dụng biện pháp tự vệ (13 vụ).
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính là do thép là nguyên liệu cho tất cả các ngành công nghiệp và xây dựng và là vật liệu chiến lược nên rất nhiều quốc gia chú ý đến. Hơn nữa, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam đã khiến nhiều quốc gia chú ý và điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Trong đó Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại nhiều nhất mặc dù tỷ trọng xuất khẩu vào hai thị trường này còn rất khiêm tốn.
Trước tình hình đó, theo ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp thép cần nâng cao nhận thức về nguy cơ bị khiếu kiện, điều tra phòng vệ thương mại. Để phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vụ phòng vệ thương mại, tránh thiệt hại khi xuất khẩu, các doanh nghiệp ngành thép cần xây dựng chiến lược xuất khẩu bài bản, dựa trên cơ sở nắm chắc về cơ chế, quy định, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại của các nước trong lòng bàn tay. Đặc biệt, VSA định hướng doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm hiểu về các thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp thép trong nước vẫn hạn chế về năng lực tài chính, công nghệ, chi phí cao - khó có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh hội nhập và các biện pháp tự vệ được áp dụng nhiều như hiện nay. Do đó, doanh nghiệp cần tập trung đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, nỗ lực đáp ứng những yêu cầu mới của thị trường./.
Nguồn tin: Tài chính