Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mất cân bằng và nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Nhìn chung các nhà kinh tế đều cho rằng nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái nếu lãnh đạo các nước không thể cắt giảm tình trạng mất cân bằng. Đa số người dân Mỹ có thể không còn được hưởng mức sống cao như hiện nay bởi “mất cân bằng toàn cầu”.

Ông Dean Maki, nhà kinh tế trưởng của Barclays Capital khẳng định “Chắc chắn là việc gia tăng thâm hụt thương mại tại Mỹ cũng như thặng dư tại Trung Quốc không thể kéo dài mãi. Tuy nhiên, sự mất cân bằng này không thể khắc phục trong một sớm một chiều.”

Tiềm ẩn khủng hoảng

Xuất siêu đã mang lại cho Trung Quốc nhiều thành tựu, hàng triệu người dân nước này đã thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, mức thặng dư thương mại khổng lồ cũng có thể làm gia tăng lạm phát tại Trung Quốc và gây ra bong bóng tài sản. Đây là hai nguy cơ tiềm ẩn có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

“Mất cân bằng toàn cầu” đề cập đến thâm hụt thương mại cao đang gây tổn thất cho một số quốc gia, nhất là Mỹ; và thặng dư thương mại khổng lồ tại các nước mới nổi như Trung Quốc.

Trong khi đó, các quốc gia có thâm hụt thương mại cao như Mỹ cũng đang đối mặt với rất nhiều rủi ro. Tình trạng tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ nhiều hơn so với sản xuất từ trước đến nay cũng đồng nghĩa với việc Mỹ cần phải tài trợ khoản thâm hụt của mình bằng cách bán các tài sản như trái phiếu kho bạc cho các đối tác thương mại nước ngoài.

Ông Jay Bryson, nhà kinh tế toàn cầu của Công ty chứng khoán Wells Fargo cho biết: “Cuối cùng, các nước sẽ từ chối cho Mỹ vay tiền để tiếp tục chi tiêu, khi đó Mỹ sẽ rơi vào suy thoái rất nặng nề.”

Trường hợp Mỹ không trải qua một cuộc khủng hoảng nợ như thế, đồng USD cũng sẽ mất giá trên các thị trường toàn cầu nếu thâm hụt thương mại tiếp tục mở rộng. Giá các mặt hàng nhập khẩu và các loại hàng hóa như dầu, thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất có thể tăng và tiếp thêm tín hiệu xấu đối với đà tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Tái cân bằng phải xuất phát từ chi tiêu

Trung Quốc từng bị tố cáo là cố ý phá giá đồng nội tệ để được hưởng lợi thế xuất khẩu trên thị trường toàn cầu bằng cách mua vào đồng USD và bán Nhân dân tệ. Và hiện nay, Mỹ cũng đang đối mặt với làn sóng chỉ trích về việc làm giảm giá trị đồng USD với lý do tương tự sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế.

Trong cuộc chiến tiền tệ này, một mình Trung Quốc không thể giải quyết. Được biết, khi Trung Quốc cho phép Nhân dân tệ tăng 20% trong những năm trước khủng hoảng tài chính 2008, thâm hụt thương mại giữa hai nước vẫn tăng vọt hơn 40%. Thêm vào đó, Mỹ lại có thâm hụt với hầu hết các đối tác thương mại, thậm chí với các quốc gia có tỷ giá được thả nổi tự do.

Ông Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại Mesirow Financial cho rằng: “Vấn đề mấu chốt nằm ở việc chi tiêu quá mức của người dân Mỹ. Và tái cân bằng đồng nghĩa với việc thay đổi tình trạng này nhưng đây là một việc hết sức khó khăn.”

Theo các chuyên gia kinh tế, việc tìm ra cách thức giảm chi tiêu quá mức tại Mỹ và thúc đẩy chi tiêu tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ là vấn đề không hề dễ dàng.

Ông Jay Bryson từ Wells Fargo khẳng định: “Điều này không thể diễn ra. Chỉ có các khoản tiết kiệm cuối ngày và các khoản đầu tư mới có thể đem lại sự cân bằng.”

Điều chỉnh cơ cấu, tạm quên “Cuộc chiến tiền tệ”

Nhiều nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm chi tiêu là cần thiết nếu muốn thiết lập lại sự cân bằng mà không gây ra khủng hoảng. Nhưng giảm chi tiêu cũng đồng nghĩa với việc tăng trưởng kinh tế suy yếu và việc làm giảm sút. Vì thế, cắt giảm chi tiêu trong lúc nền kinh tế vẫn còn yếu là đặc biệt khó khăn.

Ông Swonk cho biết, việc thay đổi cơ cấu thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT) có thể làm giảm thâm hụt ngân sách nhưng lại khiến hoạt động chi tiêu đi xuống. Tuy nhiên, đa số nhà làm chính sách đều muốn các quốc gia khác tiến hành thay đổi hơn là đưa ra các quyết định khó khăn cho nước mình.

Ông Maki nhận định: “Việc gia tăng nhu cầu tại các quốc gia mới nổi bao giờ cũng tốt hơn. Không một nhà làm chính sách nào lại ủng hộ việc Mỹ rơi vào suy thoái để cắt giảm thâm hụt thương mại.”

Do đó, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục tập trung vào các yếu tố bên ngoài.

Trong một cuộc thảo luận gần đây nhất với hội đồng chính sách, Chủ tịch FED Ben Bernanke, cho rằng nguyên nhân của sự mất cân bằng toàn cầu xuất phát từ các nền kinh tế xuất khẩu như Trung Quốc khi nước này giữ giá Nhân dân tệ ở mức thấp và điều này cần phải thay đổi.

Bên cạnh đó, ông cho rằng Mỹ cũng cần phải thay đổi để giải quyết tình trạng mất cân bằng toàn cầu thông qua việc thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư.

Ông nói: “Riêng vấn đề tỷ giá không thể tái lập được sự cân bằng. Hai bên cần phải tiến hành các điều chỉnh về mặt cơ cấu.”

Nguồn: CNN Money

ĐỌC THÊM