Hơn một năm sau khi các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản bước vào giai đoạn phục hồi, cả Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) lẫn Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đều thấy rằng mây đen vẫn che phủ các nền kinh tế nói trên.
Theo các con số thống kê, bức tranh kinh tế của cả ba nền kinh tế hàng đầu nói trên đều “nhạt nhòa, trắng đen lẫn lộn” (đặc biệt ở Mỹ - nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao), trong khi các chính trị gia ở các nước phát triển lại đang ngày càng trở nên "bất trị".
Nhật Bản hiện đang phải đối đầu với việc đồng yên tăng giá, nợ chính phủ chồng chất và đang chật vật chống giảm phát. Còn chính phủ các nước châu Âu lại đang phải lo đối phó với làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, khi chuẩn bị cắt giảm chi tiêu nhằm giảm thâm hụt ngân sách và nợ công.
Bình luận về các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nhà phân tích Marc Chandler - phụ trách chiến lược tiền tệ toàn cầu của Brown Brothers Harriman tại New York – nói: "Chính sách bất định, kinh tế bất ổn và thị trường bấp bênh. Mọi thứ hiện đang hết sức phức tạp".
Tăng trưởng đang chững lại ở Mỹ
Mặc dù đóng góp của nhóm nước G7 vào kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây đã giảm đi đáng kể, song G7 vẫn rất quan trọng đối với việc duy trì tăng trưởng toàn cầu, trong đó kinh tế Mỹ vẫn có tầm quan trọng hàng đầu.
Mới đây, các nhà kinh tế đã khá bất ngờ trước một số thông tin tốt hơn dự kiến về lĩnh vực việc làm và chế tạo của Mỹ, tuy xu hướng chung vẫn là tăng trưởng chậm lại. Kinh tế Mỹ đã tăng 1,6% trong quý 2 năm nay, giảm so với mức tăng 3,7% của quý 1 trước đó. Các chuyên gia đang theo dõi chặt chẽ các số liệu về doanh số bán lẻ, chỉ số giá tiêu dùng và sản lượng công nghiệp được công bố trong tuần, để nắm bắt các dấu hiệu về sự đi lên của nền kinh tế đầu tàu này.
Trong khi thừa nhận tiến trình phục hồi "khá chậm chạp", Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề xuất một số giải pháp mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng - trong đó có đầu tư vào hạ tầng cơ sở, cắt giảm thuế đối với tầng lớp trung lưu và với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc thuê mướn nhân công. Các nhà kinh tế tại Societe Generale cho rằng các giải pháp này "về cơ bản là tích cực đối với kinh tế Mỹ, nhưng chưa đủ để tạo ra một cú hích làm thay đổi tốc độ phục hồi trong vòng 12 tháng tới". Cũng theo Societe Generale, chính sách vẫn sẽ còn rất bất định trong bối cảnh nước Mỹ đang cần thúc đẩy tài khóa để bổ sung cho những nỗ lực kích thích tăng trưởng của FED.
Khó khăn chồng chất ở châu Âu, Nhật Bản
Tăng trưởng yếu ớt của Mỹ đang gây khó khăn cho Nhật Bản do tỷ giá đồng USD đã trượt xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua so với đồng yên. Sự tăng giá của đồng yên đã khiến các công ty xuất khẩu lao đao và đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản lao xuống dốc. Trong khi đó, giới quan chức lo ngại rằng nền kinh tế Nhật Bản thậm chí có thể chìm sâu vào tình trạng giảm phát. Thời điểm can thiệp vào thị trường tiền tệ và khiến chođồng yên yếu đi - một nhiệm vụ quá nặng nề mà các nhà kinh tế cho rằng có thể không thực hiện được - là một trong những vấn đề gây tranh cãi và chia rẽ trong đảng Dân chủ (DPJ) cầm quyền tại Nhật Bản.
Châu Âu cũng có vấn đề. Những lo ngại về gánh nặng nợ nần cũng như tình hình sức khoẻ của hệ thống ngân hàng khu vực Eurozone có thể sẽ khiến các thị trường tài chính chao đảo trong tuần tới.
Nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng lần này, kinh tế thế giới sẽ còn phải mất một thời gian dài để có thể khoẻ mạnh trở lại. Còn Chủ tịch Ban tư vấn phục hồi kinh tế của Tổng thống Barack Obama, ông Paul Volcker, cho rằng sản xuất tại Mỹ, Nhật Bản và phần lớn các nước khu vực Eurozone sẽ không trở lại đỉnh cao trong vài năm tới, thậm chí ngay cả khi kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức khoảng 3%/ năm.
Nguồn: stockbiz