Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Máy sản xuất thép cũ của Trung Quốc không được chào đón ở Đông Nam Á

 Trung Quốc đã cấm sử dụng các lò cảm ứng trong năm ngoài nhằm giải quyết các nhà sản xuất thép chất lượng thấp gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên những máy móc này đã được chuyển tới một số khu vực Đông Nam Á, ảnh hưởng tới nhiều thị trường thép địa phương và dấy lên lo ngại về an toàn, môi trường.

Phillipines và Indonesia đã ghi nhận dòng chảy vào của các lò cảm ứng kể từ khi Bắc Kinh cấm sử dụng loại máy móc này để sản xuất thép trong tháng 6/2017, loại bỏ 140 triệu tấn công suất, chỉ lớn hơn một chút tổng sản lượng của cả hai nước Mỹ và Đức.

Hai quốc gia Đông Nam Á này, những nhà nhập khẩu thép với nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, là thị trường lí tưởng cho các lò cảm ứng (IF) sản xuất thép giá rẻ.

Tuy nhiên, một số nhà sản xuất thép lớn tại Indonesia và Philippines khiếu nại rằng thép sản xuất từ loại máy này không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và gây ra rủi ro lớn đối với hai quốc gia dễ xảy ra động đất và bão. Các doanh nghiệp này đang thúc giục chính phủ cấm sử dụng IF.

Không giống các lò hồ quang điện, IF chỉ có hạn chế hoặc không có công suất để loại bỏ tạp chất trong quá trình sản xuất thép, dẫn tới sự không nhất quán về chất lượng sản phẩm. Vì hầu hết IF tại hai quốc gia này sản xuất thanh cốt thép, vốn được sử dụng trong xây dụng, các nhà sản xuất thép đối thủ nói điều này đe dọa tới sự an toàn.

Tại Philippines, thị trường thanh cốt thép đang bị các nhà sản xuất IF tấn công, với giá sản phẩm được ra bán rẻ hơn 20% so với loại từ các lò hồ quang điện, theo ông Roberto Cola, Chủ tịch Viện Sắt và Thép Philippines.

Trong khi tại Indonesia, sau khi Trung Quốc cấm IF, các nhà máy đã nhập khẩu lò cảm ứng để giảm chi phí sản xuất thép, với cái giá phải trả đó là sự an toàn, ông Silmy Karim, Giám đốc điều hành nhà sản xuất thép hàng đầu Indonesia Krakatau Steel, cho biết.

"Indonesia là tâm điểm của các trận động đất, vì vậy chúng ta phải cảnh giác. Các loại máy này phải bị cấm", ông Karim nói thêm.

Bán cho bất kì ai có nhu cầu

Với việc cấm sử dụng IF, Trung Quốc cũng giải quyết được vấn đề dư thừa công suất, "cái gai" của ngành thép quốc gia này trong nhiều năm.

Vì vậy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa ngừng bán loại máy này cho người mua bên ngoài Trung Quốc, hầu hết được bán như thiết bị hạ giá.

Một nhà giao dịch tại thành phố sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc, Đường Sơn, đang mua và bán IF có công suất khoảng 0,25 - 60 tấn cho bất kì ai muốn mua, người này cho biết.

"Tôi cũng có thể bán nó cho người mua ở nước ngoài, miễn quốc gia của họ đồng ý nhập khẩu thiết bị hạ giá", người này nói thêm.

Một nhà giao dịch khác tại Đường Sơn cho biết rất nhiều máy IF đã được xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia và Campuchia. Hầu hết các máy móc sẽ được xuất khẩu từng bộ phận và sau đó được lắp đặt tại địa điểm cuối cùng.

Hội đồng Sắt và thép của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã hối thúc chính phủ các quốc gia thành viên trong tháng 1 cấm nhập khẩu IF từ Trung Quốc để sản xuất thép, nói rằng khu vực đã trở thành điểm đến ưa thích của những thiết bị lỗi thời từ Trung Quốc.

Công suất tổng cộng của IF tại Philippines đã tăng tới 400.000 - 500.000 tấn từ mức 150.000 - 200.000 tấn hai năm trước, ông Cola cho biết. Tại Indonesia, 30 - 40% các nhà sản xuất thanh cốt thép nội địa sử dụng IF, theo ông Karim.

Trong khi đó, tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận bất kì dấu hiệu nào của IF nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ đợt cấm lò cảm ứng năm 2017, ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho biết. Ông cũng nói thêm chính phủ không cho phép đầu tư mới vào IF.

Theo ông Wikrom Vajragupta, Chủ tịch Hiệp hội Sắt và Thép Thái Lan, cũng không có sự đầu tư mới về IF tại quốc gia này với thị trường thanh cốt thép đang đối mặt với vấn đề thừa công suất, khiến nó không trở nên thú hút đối với đầu tư mới.

Nguồn tin: Vietnambiz

ĐỌC THÊM