Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mịt mờ dự án thép tỷ đô Kobelco tại Nghệ An

Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco vẫn chưa có lối thoát khi Dự án sắt Thạch Khê chưa thể đi vào khai thác.

“Đắp chiếu” vì thiếu nguyên liệu

Phải vòng đi, vòng lại và hỏi thăm cả chục người dân đang làm việc, sinh sống trong KCN Đông Hồi (Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) chúng tôi mới xác định được vị trí mà Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco chọn làm địa điểm xây dựng.

“Ba, bốn năm ni có thấy họ mô chú, họ chạy làng rồi, Dự án bỏ hoang, đất cũng bỏ hoang”, một người dân địa phương chỉ về mảnh đất nằm bên cạnh đường nhựa phẳng phiu buồn rầu nói.

“Tàn tích” về bóng dáng của một đại dự án nay chỉ còn lại một mảnh đất bị đào bới lỗ chỗ, căn nhà nhỏ đổ nát, xiêu vẹo và một lối đi tạm vào Dự án đã trở thành lối đi của trâu bò, mọc đầy cỏ dại. Không biển dẫn, không hàng rào, không người trông coi, Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco có tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, công suất 2 triệu tấn/năm từng là niềm hy vọng của cả tỉnh Nghệ An vẫn là một bãi hoang buồn thảm sau 5 năm từ ngày khởi công.

Ngược lại, cách đó không xa, Dự án Nhà máy sản xuất tôn của Tập đoàn Hoa Sen có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng đang tấp nập, khẩn trương xây dựng. Hàng chục chiếc xe nối đuôi nhau chở vật liệu, san nền, ủi đất rộn rã cả một góc biển Quỳnh Lưu.

Theo thiết kế, Dự án Nhà máy sản xuất sắt xốp Kobelco do Tập đoàn Thép Kobe (Nhật Bản) đầu tư, có công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm, nguyên liệu chính sử dụng cho nhà máy được xác định là quặng sắt khai thác từ Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và than được vận chuyển từ Quảng Ninh. Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, công suất thiết kế giai đoạn I là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn II tăng gấp đôi công suất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết, Dự án vướng mắc là do chưa có nguồn nguyên liệu để sử dụng. Hiện Kobe đang làm việc với Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) để tham gia mua cổ phần, khai thác dự án và khi có nguồn nguyên liệu chủ đầu tư mới xây dựng dự án. Chỉ khi nào họ giải quyết được đầu vào, chủ đầu tư mới xây dựng nhà máy.

Trả lời câu hỏi: “Tỉnh Nghệ An sẽ chờ Dự án bao lâu nữa và có tiến hành thu hồi Dự án hay không”? Ông Phớc cho hay, thu hồi Dự án là việc rất đơn giản, nhưng quan điểm của Nghệ An là, tạo điều kiện tốt nhất để Dự án có thể hoạt động, nên sẽ chờ một thời gian nữa để Kobe làm việc với TIC.

Trước đó, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2014, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Takashi Matsutani, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH Thép Kobe cho biết: “Phải đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu, thì chúng tôi mới tiến hành xây dựng Nhà máy. Kobe không thể bỏ ra 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy “đắp chiếu” nằm chờ nguyên liệu”.

Ông Takashi Matsutani cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xúc tiến thực hiện việc để Kobe tham gia góp vốn vào TIC, nhằm mở hướng đi khả thi cho cả hai công ty. Tuy mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng lớn, nhưng quặng sắt ở đây lẫn nhiều tạp chất, đòi hỏi phải có kỹ thuật và công nghệ cao xử lý, Kobe hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này. Nếu được tham gia dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, cùng với những hỗ trợ về tài chính, Kobe còn có thể hỗ trợ về công nghệ để dự án khai thác hiệu quả.

“Nút thắt”… nằm ở TIC

Năm 2007, Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) được thành lập với vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng để thực hiện Dự án Mỏ sắt Thạch Khê. Tổng mức đầu tư của Dự án là 14.517 tỷ đồng, trong đó cổ đông góp 30%vốn, phần 70% còn lại sẽ được huy động từ các nguồn khác. Hiện nay, TIC có 5 cổ đông lớn trong đó có Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (52%) và Tổng công ty Thép Việt Nam (20%)…, nhưng đến tháng 6/2015 các cổ đông mới đóng góp 57,7% vốn điều lệ khiến việc thực hiện dự án gặp khó khăn.

Tháng 8/2013, theo đề nghị của Bộ Công thương, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chấp thuận việc nhà đầu tư Kobe tham gia góp vốn điều lệ vào TIC. Theo chỉ đạo của Phó thủ tướng, Bộ Công thương và UBND tỉnh Hà Tĩnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát, kiểm tra việc tham gia góp vốn của Kobe và TIC theo đúng cam kết và các quy định hiện hành.

Theo nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, đến thời điểm hiện nay, sau 2 năm kể từ khi Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận việc tham gia góp vốn của Kobe vào TIC “vẫn đang trong quá trình đàm phán”.

Nếu Kobe được phép góp vốn với tỷ lệ cao sẽ là một động thái tích cực trong việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Việc này cũng sẽ thúc đẩy Kobe đẩy nhanh tiến độ dự án sắt xốp 1 tỷ USD tại Nghệ An. Tuy nhiên, đến bao giờ hai việc này mới có thể khởi động vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp và vì thế, tương lai dự án sắt xốp 1 tỷ USD của Kobe tại Nghệ An vẫn là một màu xám ảm đạm.

Nguồn tin: ĐTCK

ĐỌC THÊM