Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỏ sắt Thạch Khê: Tỉnh muốn dứt nhưng...

  Trong khi UBND tỉnh Hà Tĩnh muốn dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê để tránh rủi ro không mong muốn thì Bộ Công thương và TKV muốn tiếp tục dự án.

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) về nhiều đánh giá liên quan đến dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Trong công văn này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng đã đến lúc "cần phải có quan điểm và quyết định rõ ràng, dứt điểm về dự án", kể từ khi dự án được Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đề nghị tái khởi động sau gần 10 năm buộc phải tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Dẫn công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh, báo Tuổi trẻ cho biết, nếu tiếp tục triển khai dự án, các hệ lụy, rủi ro tiềm ẩn có thể tác động nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, đầu tư, hoạt động sản xuất, đời sống nhân dân, phát triển kinh tế, an ninh chính trị, trật tự xã hội của tỉnh và cả vùng.

Mặt khác, với quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, tính chất đặc biệt phức tạp về vị trí địa lý, địa chất thủy văn, cấu tạo quặng, công nghệ và xử lý môi trường, việc tái khởi động dự án đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, nên phải hết sức thận trọng khi lựa chọn nhà đầu tư".

Đánh giá về việc nếu dừng dự án thời điểm này, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thừa nhận sẽ có ảnh hưởng nhất định đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch đề ra.

Bản thân doanh nghiệp có bị tổn thất khoản vốn lớn đã đầu tư vào dự án, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó có thể phát sinh một số hệ lụy liên quan đến việc xử lý số vốn đã đầu tư vào dự án của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, những tác động ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh "thực tế không phải là vấn đề lớn, và buộc phải chấp nhận để đảm bảo vấn đề môi trường, phát triển bền vững", công văn nhấn mạnh.


UBND tỉnh Hà Tĩnh muốn kết thúc dự án mỏ sắt Thạch Khê

UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc dừng dự án sẽ tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án. Môi trường sinh thái, môi trường sống dân cư vùng ảnh hưởng cũng sẽ được hoàn trả nguyên trạng.

Từ những vấn đề nêu trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định "dự án không khả thi". Đồng thời đề nghị Bộ KHĐT báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét cho dừng dự án, cũng như chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất ổn định đời sống nhân dân trong vùng.

Đây không phải là lần đầu tiên UBND tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê. Cuối năm 2016, tỉnh này cũng đề nghị chưa tái khởi động dự án do còn nhiều bất cập. Tỉnh Hà Tĩnh cho rằng việc phê duyệt dự án cũng như báo cáo đánh giá tác động môi trường, tính về hiệu quả kinh tế của dự án cần được tính toán, xem xét một cách khách quan, khoa học.

Bộ KHĐT vào năm ngoái cũng đã trình văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị cho phép Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.


Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Bộ Công thương cho rằng đề xuất dừng là chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Với khoản vốn đầu tư đã bỏ ra gần 2.000 tỷ đồng, việc dừng dự án có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp, trong đó đa số là vốn Nhà nước.

Để có cơ sở xem xét, báo cáo Bộ Chính trị quyết định việc dừng hay tiếp tục triển khai thực hiện dự án mỏ sắt Thạch Khê, cuối năm ngoái, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá khách quan, toàn diện lại hiệu quả dự án, trong đó làm rõ các vấn đề công nghệ, kỹ thuật, năng lực chủ đầu tư, nguồn vốn, phương án vận tải, vấn đề thị trường… những vấn đề rủi ro đặt ra, nhất là tổng mức đầu tư lớn và hiệu quả của dự án.

Bên cạnh đó, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương cùng các cơ quan liên quan đánh giá tác động môi trường, đáp ứng các tiêu chuẩn mới nhất về bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Ngoài ra phải xem xét những ảnh hưởng có thể có của biến đổi khí hậu đến dự án, trong điều kiện thân quặng nằm sâu so với mực nước biển.

Trên cơ sở các báo cáo của Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên Môi trường nêu trên, Thủ tướng giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan (Công thương, Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Hà Tĩnh, Khoa học và Công nghệ, TKV, TIC…) lập báo cáo trình Thủ tướng xem xét trước khi báo cáo Bộ Chính trị.

Báo cáo này phải rà soát, đánh giá toàn diện, khách quan, khoa học các vấn đề trên của dự án, lưu ý các vấn đề môi trường, công nghệ, tổng mức đầu tư (kể cả vấn đề bảo vệ môi trường cũ và mới), hiệu quả kinh tế - xã hội… có phân tích sâu các yếu tố nguy cơ cũng như giải pháp xử lý các rủi ro, hệ lụy nếu phải dừng dự án.

Trường hợp cần thiết, Bộ KHĐT nghiên cứu đề xuất thành lập một Hội đồng thẩm định gồm đại diện các Bộ nêu trên và các cơ quan liên quan để thẩm định trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trong quý I/2018.

Nguồn tin: Đất Việt

ĐỌC THÊM