Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mở thêm sàn giao dịch cà phê, cao su, thép

Công ty cổ phần Triệu Phong ở TPHCM sẽ mở sở giao dịch hàng hóa cho 3 mặt hàng là cà phê, cao su và thép trong tháng 10 này bằng việc hợp tác với các hiệp hội ngành hàng liên quan.

Hiện tại trong nước đã có Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) tại Đắk Lắk và Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương Tín (Sacom-STE) cho mặt hàng đường, thép tại TPHCM.

Đặc điểm chung của hai sàn giao dịch này là mua bán thật. Nghĩa là khách hàng phải có một lượng hàng ký gửi nhất định nào đó trước khi muốn giao dịch qua sàn.

 

 

Trong khi đó, với sở giao dịch hàng hóa mà Công ty cổ phần Triệu Phong đang xây dựng thì khách hàng có thể mua bán, giao dịch với khối lượng lớn mà không cần phải có lượng hàng ký gửi như trên.

Ngoài ra, sở giao dịch hàng hóa sẽ giúp người sản xuất có thể bảo hiểm rủi ro giá cả và có điều kiện tăng giá bán nhờ liên kiết với các sàn giao dịch hàng hóa khác trên thế giới.

Song, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của sở giao dịch hàng hóa này.

“Hiện tình hình kinh doanh sản xuất cà phê tại Việt Nam chưa đồng bộ nên sở giao dịch hàng hóa khó hấp dẫn các công ty sản xuất, kinh doanh cà phê trong nước”, ông Tiến nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Tiến, để sở giao dịch hàng hóa đi vào hoạt động thì cần phải có đội ngũ nhân viên giỏi nghiệp vụ mà đây lại là những nghiệp vụ khá mới mẻ ở Việt Nam.

“Theo tôi biết, hiện Việt Nam vẫn chưa có nguồn nhân lực giỏi để có thể có tham gia vào sở giao dịch hàng hóa giống như các sở giao dịch hàng hóa nổi tiếng trên thế giới”, ông Tiến cho biết.

Theo Nghị định 158/2006/NĐ-CP về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa , sở giao dịch hàng hóa được thành lập và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Hiện sở giao dịch hàng hóa hoạt động hiệu quả tại nhiều nước trên thế giới. Cụ thể như Nhật Bản, Singapore có sở giao dịch hàng hóa cho mặt hàng cao su hoạt động rất hiệu quả mặc dù hai nước này không có trồng cao su.

Ông Phan Vũ Hùng, Giám đốc Sàn Sacom-STE, cho biết, giao dịch hàng hóa mặt hàng cao su qua sàn trung bình mỗi ngày tại mỗi sở giao dịch của hai nước nói trên có khối lượng 200.000 đến 400.000 tấn cao su các loại, nhưng chủ yếu giao dịch trên giấy tờ, còn số lượng cao su được chuyển giao thực tế (bán cho nhà sản xuất các loại sản phẩm từ cao su thiên nhiên) chỉ từ 10-20%.

“Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam và các nước khác tham gia giao dịch qua các sở giao dịch hàng hóa tại Anh, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc theo cách thức mua bán qua giấy tờ mà mục đích chính là bảo hiểm giá hoặc đầu cơ giá chứ giao dịch bằng hàng hóa thật không nhiều”, ông Hùng cho hay.

 

Nguồn: TBKTSG Online

ĐỌC THÊM