Vụ việc Bộ Thương mại Mỹ mới đây khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm thép Việt Nam một lần nữa gióng lên hồi chuông với các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc trang bị các hành trang tối thiểu khi đi làm ăn xứ người.
Ảnh minh họa |
Ngày 26/10/2011, một số công ty thép của Hoa Kỳ đã chính thức gửi đơn đồng thời đến Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép cuộn cacbon mã HS 7306 nhập khẩu từ Việt Nam và Ấn Độ, Oman, Tiểu vượng quốc Ả rập thống nhất một số nước khác.
Ngày 15/11/2011, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra quyết định điều tra vụ bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng nói trên.
Trao đổi với phóng viên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Phó cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, với lượng xuất khẩu khoảng 60 ngàn tấn, tổng giá trị xuất khẩu ống thép trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ khoảng 60 triệu USD, mặc dù đây là khối lượng xuất khẩu nhỏ và có kim nghạch xuất khẩu không lớn, nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn có nguy cơ bị điều tra nếu như lượng và giá trị xuất khẩu tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn.
Như vậy, kể từ vụ kiện chống bán phá giá đầu tiên năm 1994 đến nay Việt Nam đã phải đối phó với 43 vụ kiện phòng vệ thương mại, mặc dù đây là con số không lớn so với các nước, nhưng nó gây ảnh hưởng không nhỏ tới định hướng xuất khẩu của Việt Nam cũng như tốn phí thời gian, thậm chí cả về kinh tế cho các doanh nghiệp khi đeo đuổi vụ kiện.
Đáng quan ngại khi mà các vụ kiện phòng vệ thương mại không chỉ dừng ở những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam có thế mạnh mà bắt đầu hướng sang các mặt hàng có số lượng không lớn ở những thị trường chúng ta có thị phần nhỏ.
Theo nhiều chuyên gia, cùng với sự thành công trong hoạt động xuất khẩu những năm gần đây, hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần chủ động trong phòng vệ thương mại của chính mình.
Để không bị kiện tại các thị trường, các chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp nên phối hợp với nhau để đưa ra mức giá mà thị trường có thể chấp nhận được, không nên quá chú trọng đến việc cạnh tranh bằng giá.
Khi phải đối mặt với vụ kiện, theo các chuyên gia, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, doanh nghiệp nên tập hợp nhau lại thông qua đầu mối là Hiệp hội để chia sẻ thông tin kịp thời, tập hợp nguồn lực, thuê chung luật sư, thống nhất chiến lược, kế hoạch làm việc để đảm bảo có được kết quả tốt nhất.
Nhằm giúp cho các doanh nghiệp tránh được rủi ro và nhân biết được các nguy cơ từ các thị trường, được biết hệ thống cảnh báo sớm đã được Bộ Công Thương xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2010 tại địa chỉ www.canhbaosom.vn. Trang Web này cung cấp các thông tin cảnh báo về khả năng bị điều tra cho các doanh nghiệp
Hiện nay, Bộ Công Thương Việt Nam đã có công hàm phản đối việc các cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ khởi động điều tra vụ việc chống trợ cấp. Bộ cũng đã làm việc với Hiệp hội Thép, doanh nghiệp xuất khẩu ống thép, hướng dẫn các doanh nghiệp thủ tục cần thiết để đảm bảo đạt kết quả tốt nhất trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra của Hoa Kỳ.
Phòng vệ thương mại là những quy định, hình thức ngăn chặn, hạn chế áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ nước này sang nước kia được nước nhập khẩu áp dụng sau một quá trình
điều tra kết quả hội đủ 3 điều kiện: có hiện tượng bán phá gia hoặc bán hàng có trợ cấp hoặc nhập khẩu ồ ạt và ngành nhập khẩu trong nước chứng minh được thiệt hại cho sản xuất trong nước của nước nhập khẩu. Đây là hoạt động được WTO cho phép các nước nhập khẩu áp dụng để chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ các nước xuất khẩu.
Nguồn tin: Chinhphu