Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mới giải quyết được khó khăn tạm thời

Việc tăng thuế xuất khẩu phôi thép lên đến 20% để ngăn chặn xu hướng “xuất khẩu ngược” đã khiến nhiều DN sản xuất phôi thép lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” khi giá thép trong nước liên tục sụt giảm. Như ANTĐ đã đưa tin, Bộ Tài chính đã ra quyết định giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống 10%. Đây là tin vui với nhiều DN đang tồn đọng phôi thép, nhưng theo các chuyên gia, việc giảm thuế mới chỉ giải quyết khó khăn tạm thời.
Gỡ thế “tiến thoái lưỡng nan”
Từ mức đỉnh 20-21 triệu đồng/tấn, tuần trước giá thép trên thị trường đã giảm còn 15-16,5 triệu đồng/tấn. Đi liền với đó là tình trạng sụt giảm doanh số bán hàng của các DN sản xuất sắt thép. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nếu trung bình mỗi tháng cả nước tiêu thụ khoảng 300.000 tấn (tháng 3 là 370.000 tấn), thì sang đến tháng 8, con số này chỉ còn 111.000 tấn. Nửa đầu tháng 9, lượng tiêu thụ tiếp tục sụt giảm hơn nữa. Do tiêu thụ thép giảm mạnh, lượng phôi thép của các DN cán thép tích trữ còn nhiều nên họ không mua vào phôi thép, trong khi đó thuế suất thuế xuất khẩu phôi ở mức 20%, nên đầu ra của các DN sản xuất phôi gặp bế tắc.
Theo Bộ Công Thương, lượng phôi thép xuất khẩu của các doanh nghiệp đã giảm đáng kể trong thời gian qua, cụ thể, nếu như trong tháng 6-2008 xuất khẩu được hơn 305.000 tấn, thì trong tháng 7-2008 chỉ xuất khẩu được 12.000 tấn phôi thép và đến thời điểm này hầu như không xuất khẩu được. Số liệu cập nhật đến tháng 9 của Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, các DN sản xuất và kinh doanh phôi đang ứ thừa khoảng 430.000 tấn phôi.
Công ty Gang thép Vạn Lợi, lượng phôi thép tồn đọng đã lên tới hơn 40.000 tấn và DN này buộc phải ngừng sản xuất trong nhiều ngày qua. Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Tổng Giám đốc Công ty Vạn Lợi than thở: “Hiện nay, các DN sản xuất phôi không biết bán cho ai dẫn đến tình trạng ứ đọng vốn quá lớn. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ dẫn đến phải ngừng sản xuất và có thể sẽ bị phá sản.
Giảm thuế xuất khẩu giúp các doanh nghiệp săn xuất đỡ khó khăn hơn.
Trong khi đó, lượng phôi thép nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới với giá rẻ vẫn được nhập Việt Nam với số lượng lớn, gây ảnh hưởng đến các DN sản xuất phôi trong nước mà không có biện pháp ngăn chặn”. Công ty Thép Đình Vũ cũng cho biết, tồn kho phôi thép hiện là 15.000 tấn và sản xuất đang giảm mạnh. Trong khi phôi thép không bán được thì DN vẫn phải trả vốn vay ngân hàng với lãi suất cao, lương công nhân, tiền điện lên đến hàng chục tỷ đồng mỗi tháng.
Chính vì thế, tin Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu phôi thép từ 20% xuống 10% được các DN hân hoan đón nhận. Đại diện Công ty Thép Việt cho rằng đây sẽ là “lối thoát” để các DN sản xuất phôi giải quyết khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn mong muốn mức thuế này giảm nhiều hơn nữa, bởi khó khăn được tích tụ khá lâu. “Khi nhập phôi về, chúng tôi không nghĩ là sẽ xuất khẩu ngược, nhưng do biến động thị trường nên buộc phải làm thế để bảo toàn vốn.
Bộ Tài chính tăng thuế đến 20% khiến hàng nghìn tỷ đồng vốn bị tồn đọng mấy tháng qua. Nay thuế giảm xuống 10% thì mới chỉ giải quyết được phần nào khó khăn”. Được biết, cuối tuần trước, Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giảm thuế xuất khẩu phôi thép xuống mức 5%.
Cần lập quỹ bình ổn
Những diễn biến trên cho thấy, thực chất việc sử dụng công cụ thuế chỉ là một biện pháp điều tiết ngắn hạn, không giải quyết được những vấn đề căn bản của ngành thép. Tại kiến nghị gần nhất, Hiệp hội Thép Việt Nam và các DN đã kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi về tài chính đối với DN sản xuất phôi thép, nhằm giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho DN trong sản xuất, kinh doanh thép.
Đề xuất đáng chú ý nhất mà Hiệp hội Thép Việt Nam đưa ra là Chính phủ cần nghiên cứu để thành lập quỹ dự trữ phôi thép, nhằm bình ổn giá thép trong nước khi giá phôi thép thế giới có biến động. Việc nghiên cứu các điều kiện thành lập và quản lý quỹ này sẽ do Bộ Công Thương thực hiện. “Việc lập quỹ dự phòng để dự trữ phôi thép quốc gia sẽ giúp DN giải phóng được lượng hàng tồn kho để có thể quay vòng vốn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh” - ông Nguyễn Quốc Hoàn nói.
Trên lý thuyết, thành lập quỹ dự trữ phôi thép là đề nghị hợp lý, có tính hiệu quả nhất để quản lý thị trường thép Việt Nam một cách lâu dài, bền vững. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, để thành lập quỹ này cần vượt qua một số “rào cản”. Chẳng hạn việc tìm kiếm nguồn vốn để hình thành quỹ này trong thời điểm hiện tại là không khả thi, đặc biệt khi quy mô vốn sử dụng có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, việc hình thành và vận hành quỹ dự trữ phôi thép chỉ hiệu quả khi công tác dự báo thị trường - cơ sở để áp dụng các biện pháp quản lý - hoạt động tốt. Nhưng dường như dự báo lại là khâu... “yếu” nhất hiện nay trong quản lý thị trường thép. Chính vì thế, cần có sự chuẩn bị một cách đồng bộ, sự đồng tâm hiệp lực của cả DN và cơ quan quản lý Nhà nước, thì giải pháp này mới thực sự có thể phát huy hiệu quả.
ANTĐ

ĐỌC THÊM