Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mặc dù môi trường kinh doanh Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng kết quả đạt được vẫn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt trung bình ASEAN 4.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay (2/11) tại Hà Nội.
Môi trường kinh doanh có cải thiện nhưng chưa đồng đều
Phát biểu mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, Nghị quyết 19 đã tạo rất nhiều khác biệt so với trước, từ phương pháp hoàn toàn mới lấy đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) để áp dụng chứ không tự đánh giá, mục tiêu cụ thể, đo lường được, giám sát được. Tới nay, tuy mức độ, cường độ khác nhau nhưng các bộ ngành đều đã vào cuộc, tạo sự thay đổi về nhận thức và hành động.
Việc ban hành Nghị định số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2015 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cỉa thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, qua đó tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Cung, các Nghị quyết đặt mục tiêu cao nhưng khả thi, rõ ràng, cụ thể, đo lường được, giải pháp cụ thể, trách nhiệm rõ ràng. “Khác biệt lớn từ nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã chỉ đạo cụ thể, quyết liệt, mạnh mẽ, nhất quán, thường xuyên và liên tục. Không có cuộc họp nào Thủ tướng không nhắc vấn đề này. Thường xuyên có theo dõi, đánh giá khách quan, độc lập. Nhờ đó, đã có kết quả rõ nét, khác biệt so với trước và có tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, niềm tin của doanh nghiệp, của thị trường tăng lên, chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn”, Viện trưởng đánh giá.
Viện trưởng CIEM cho biết, tổng thể môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến khoảng 30 bậc, thu hẹp khoảng cách so với trung bình ASEAN 4. Tuy nhiên, kết quả này vẫn khá xa so với mục tiêu, chưa đạt trung bình ASEAN 4. “Kết quả đạt được không đồng đều, có chênh lệch khá lớn giữa các chỉ số, các bộ ngành, địa phương. Nếu so sánh, chỉ số năng lực cạnh tranh Việt Nam còn rất kém so với thế giới”, ông Cung nói.
Về chỉ số khởi sự kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung cũng phân tích, báo cáo của WB đưa ra Việt Nam đã tăng 19 bậc trong năm nay nhưng vẫn xếp trên 100, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, thời gian đăng ký kinh doanh đã được tính bằng giờ.
“Chúng ta cải cách rất mạnh nhưng thế giới chuyển động nhanh hơn và đang có một cuộc cạnh tranh trong cuộc đua tới thịnh vượng của các quốc gia bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia”, Viện trưởng CIEM nêu.
Việt Nam cần nhiều nỗ lực để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh
Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm qua, chỉ số Khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã có bước tiến đang kể tại Báo cáo môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng thế giới.
Cụ thể, đánh giá đạt 84,82/100 điểm, đứng thứ 104, tăng 2,6 điểm và vươn lên 19 bật so với năm 2017. Đáng nói hơn, trong số 3 cải cách về môi trường kinh doanh của Việt Nam được Ngân hàng thế giới ghi nhận trong năm 2018 thì có 2 cải cách thuộc Chỉ số khởi sự kinh doanh đó là cho phép đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp quan mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Theo Ngân hàng thế giới, quy trình Khởi sự kinh doanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm 8 bước, được thực hiện trong 17 ngày. Trong khi trung bình khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, số bước là 6,8 bước, được thực hiện trong 25,9 ngày.
Bà Minh cho rằng, mặc dù kết quả đạt được là đáng ghi nhận, nhưng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục cải hiện Chỉ số khởi sự kinh doanh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, sau 5 năm, hầu hết các chỉ số của môi trường kinh doanh đều cải thiện. Môi trường kinh doanh liên tục tăng về điểm số và thậm chí tăng rất nhanh trong năm 2017. Năm 2018, tuy môi trường kinh doanh giảm 1 bậc, nhưng có tới 8/10 chỉ số cải thiện về điểm số.
Theo bà Thảo, tuy môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện, nhưng hầu hết các chỉ số chưa đạt trung bình ASEAN 4 cả về điểm số và thứ hạng, dù khoảng cách đang được thu hẹp dần.
Phân tích về vấn đề này, bà Thảo cũng chỉ rõ, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh vẫn có nhiều nội dung cần bàn, bởi nhiều điều kiện bất hợp lý, không cần thiết, không đạt hiệu quả quản lý. Kiểm tra chuyên ngành có những đột phá như Nghị định 15 năm 2018 về an toàn thực phẩm giúp các doanh nghiệp giảm được 90% chi phí và hàng triệu ngày công, nhưng vẫn có rất ít thủ tục kết nối hoàn toàn trên cơ chế một cửa quốc gia, hầu hết các thủ tục vừa online, vừa nộp bản giấy.
Nguồn tin: vnMedia