Mỹ thông báo sẽ áp đặt các mức thuế quan đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Canada và Mexico, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng (đến hết ngày 31/5).
Thép được sản xuất tại nhà máy ở Salzgitter, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay sau khi Mỹ loan báo việc sẽ áp thuế lên sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody's Investors Service đã nhận định rằng động thái đó dù có thể thúc đẩy hoạt động sản xuất kim loại của nước Mỹ, nhưng cũng sẽ làm tổn hại tới nền kinh tế nước này.
Ngày 31/5, Mỹ thông báo sẽ áp đặt các mức thuế quan đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng (đến hết ngày 31/5) đối với các mặt hàng này.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói kế hoạch áp 25% thuế đối với sản phẩm thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico sẽ có hiệu lực kể từ 4 giờ GMT ngày 1/6 (tức 11h ngày 1/6 theo giờ Việt Nam).
Quản lý cấp cao Atsi Sheth của Moody’s cho biết quyết định áp thuế của Mỹ sẽ làm gia tăng giá nguyên liệu đầu vào của nhiều nhà sản xuất, qua đó ảnh hưởng tới mức giá chung.
Đồng thời, động thái của Washington cũng sẽ khiến các nước thực hiện các biện pháp trả đũa và ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu cụ thể của nước này.
Thông báo áp thuế của Washington ngay sau khi được đưa ra đã lập tức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ EU, Canada và Mexico. Các nước này đều tuyên bố sẽ có biện pháp trả đũa mạnh mẽ Washington về thương mại.
Theo tuyên bố được đưa ra trong cùng ngày 31/5, Canada sẽ áp thuế lên hàng loạt mặt hàng của Mỹ có tổng giá trị lên tới 16,6 tỷ USD bắt đầu từ ngày 1/7 tới.
Bộ Kinh tế Mexico cũng cho biết danh sách các mặt hàng của Mỹ phải chịu áp thuế bao gồm thịt lợn, nho, táo, đèn và thép cán mỏng, với mức áp thuế sẽ tương đương mức thuế quan của Mỹ áp dụng đối với Mexico.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố quyết định của Washington là không thể chấp nhận và EU sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa.
Cùng ngày, Ủy viên phụ trách thương mại của EU Cecilia Malmstrom cho biết EU sẽ bắt đầu kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO). Bà Malmstrom khẳng định các biện pháp đáp trả của EU sẽ cân xứng và phù hợp với quy định của WTO.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Anne-Mari Virolainen cùng ngày mô tả việc Mỹ áp thuế nhập khẩu cao đối với sản phẩm thép và nhôm của các đông minh là hành động "rất đáng tiếc".
Bà Virolainen cho rằng lý do mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra để thực thị việc hạn chế là "giả tạo" bởi sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu không đe dọa đến an ninh quốc gia của Mỹ.
Nhà ngoại giao Phần Lan chỉ rõ biện pháp của Washinhton sẽ không giải quyết tình trạng dư thừa thép trên thế giới, đồng thời nhấn mạnh các nước sẽ tiếp tục tìm kiếm giải pháp bất chấp quyết định của Mỹ.
Cũng thể hiện sự quan ngại trên, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek cho rằng chủ nghĩ bảo hộ mậu dịch do Mỹ dẫn đầu là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong tuyên bố đăng tải trên Twitter, ông Simek nhấn mạnh không có người thắng cuộc trước trò chơi chủ nghĩa bảo hộ và hệ thống thương mại dựa theo luật lệ như hiện này sẽ chỉ dẫn tới sự hỗn loạn.
Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã có cuộc đối thoại với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin với nội dung thảo luận được cho là xoay quanh các vấn đề thương mại.
Bộ trưởng Aso được cho là sẽ thảo luận nhằm đạt thỏa thuận về việc Tokyo được miễn trừ thuế nhôm và thép khi xuất khẩu sang Mỹ.
Cuộc gặp trên diễn ra trước thềm Hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kéo dài 3 ngày tại khu nghỉ dưỡng Whistler, Canada, bắt đầu vào chiều 31/5.
Tin tức cho hay các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng lên tiếng phản đối quyết định áp thuế nhôm thép của Tổng thống Donald Trump và cho rằng những biện pháp như vậy nên dành cho các đối thủ thay vì các đồng minh của nước Mỹ.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, nghị sĩ Cộng hòa có sức ảnh hưởng lớn nhất trong Quốc hội Mỹ, đã nói trong một tuyên bố rằng ông không đồng ý với quyết định của Tổng thống Trump.
Theo ông, nước Mỹ không nên nhằm vào các đồng minh mà cần phải hợp tác với họ để giải quyết các hành vi thương mại không công bằng.
Chủ tịch Hạ viện dự kiến sẽ làm việc với Tổng thống Mỹ để tìm kiếm một “lựa chọn tốt hơn” nhằm giúp đỡ lao động và người tiêu dùng nước này.
Trong khi Chủ tịch Ủy ban Chính sách và Tài chính thuộc Hạ viện Mỹ Kevin Brady cũng khẳng định mức thuế quan này đang nhằm sai mục tiêu.
Ông Kevin Brady cũng một số nghị sĩ khác trong đảng Cộng hòa cũng thúc giục chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn thuế nhập khẩu cho các đối tác quan trọng nhằm tránh một cuộc chiến thương mại và các đòn trả đũa từ những quốc gia khác.
Nguồn tin: Bnews