Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Morgan Stanley: Eurozone đang mấp mé "bờ vực suy thoái"

Trong khi vẫn loay hoay tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng nợ công đang đe dọa nhấn chìm các nền kinh tế, Eurozone lại bị Morgan Stanley giáng thêm một đòn nữa khi đưa ra dự báo Mỹ và Eurozone đã tiến sát bờ vực suy thoái.

Đồng thời, Morgan Stanley cũng chỉ trích các nhà hoạch định chính sách ở cả hai bờ Đại Tây Dương đã không quyết đoán trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng nợ công.

Những số liệu u ám

Theo thông báo của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tăng trưởng GDP của khu vực Eurozone gồm 17 thành viên đã tụt xuống mức 0,2% vào quý 2/2011, kém xa tốc độ tăng trưởng 0,8% của quý trước, chủ yếu là do sự thụt lùi của hai đầu tàu Pháp và Đức.

Nền kinh tế Đức lớn nhất Eurozone ngày càng tuột dốc, khi GDP quý 2 chỉ tăng có 0,1%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua và thua xa tốc độ tăng 1,3% ngay trong quý trước. Trong khi đó, nền kinh tế Pháp vẫn "duy trì" tốc độ tăng GDP ở mức bằng 0. Các số liệu u ám đó càng làm gia tăng quan ngại rằng hai nền kinh tế hạt nhân tại Eurozone đang trải qua một thời khó khăn hơn nhiều so với tiên đoán.

Bức tranh kinh tế càng trở nên u ám hơn ở các nước đang ngập trong nợ nần như Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland - nơi kinh tế hầu như không tăng trưởng hoặc chỉ tăng trưởng yếu ớt, khiến các mục tiêu cắt giảm nợ càng trở nên khó khăn hơn. Italy và Tây Ban Nha - hai nước đã phải nhờ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) can thiệp để bình ổn các thị trường trái phiếu - chỉ đạt tốc độ tăng GDP ở các mức tương ứng 0,3% và 0,2%, khơi lại nỗi lo kinh tế rơi trở lại suy thoái. Còn nền kinh tế láng giềng Bồ Đào Nha - vốn đã được Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cứu trợ - vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc khi GDP vẫn dậm chân tại chỗ. Hy Lạp và Bồ Đào Nha hiện không thể dựa vào nhu cầu mạnh từ các đối tác phương Bắc để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như trước.

Theo các chuyên gia thị trường, chính sách “thắt lưng buộc bụng” chính là tác nhân chính khiến cho tiến trình phục hồi kinh tế trở nên trì trệ hơn dự tính, thậm chí còn đẩy một số nước vào tình trạng khốn khó hơn.

Nguy cơ suy thoái cận kề

Giới phân tích nhận định đà tăng trưởng của kinh tế Đức và Pháp – vốn chiếm tới 50% GDP của Eurozone - chậm lại trong quý 2/2011 cho thấy kinh tế Eurozone đang đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Nhà kinh tế Elga Bartsch của ngân hàng Morgan Stanley cho rằng Eurozone đang đối mặt với nguy cơ suy thoái thực sự do một loạt nhân tố bất ổn như nhu cầu toàn cầu yếu hơn, các ngân hàng siết chặt tín dụng hơn, những kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” của các chính phủ, giá hàng hoá cao, đồng euro tăng giá quá mức và lãi suất cao hơn của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Morgan Stanley đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone năm 2011 xuống chỉ còn trung bình 0,5%, từ mức 1,2% đưa ra trước đây. Nhà phân tích Joachim Fels, đồng trưởng nhóm kinh tế toàn cầu của Morgan Stanley, cho biết những dự đoán mới phản ánh việc Mỹ và Eurozone “đứng ngấp nghé bờ vực suy thoái” trong vòng 6-12 tháng tới.

Các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ và châu Âu đang khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn bằng cách thắt chặt chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách. Theo Morgan Stanley, các đợt tăng lãi suất trước đây của ECB và khả năng sẽ còn tăng nữa trong tương lai, cùng với cuộc khủng hoảng nợ, việc thắt chặt chính sách tài khóa cũng như hạn chế cho vay trong khu vực ngân hàng sẽ gây cản trở hơn nữa đối với tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, những phản ứng chậm chạp và chưa đủ quyết liệt của châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và những tranh cãi xung quanh việc nâng trần nợ công ở Mỹ thời gian qua đang khiến các thị trường tài chính lao dốc và làm xói mòn lòng tin của giới doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Eurobond có là phao cứu sinh?

Trước sức ép phải vực dậy Eurozone, Đức và Pháp đã có sự phối hợp ăn ý hơn, song lại né tránh việc trở thành “phao cứu sinh” cho các nước khác khi không tán thành ý tưởng phát hành trái phiếu chung của các nước Eurozone (eurobond) để giảm nhẹ gánh nặng nợ công cho từng nước nặng nợ trong khu vực; đồng thời khẳng định Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro hiện nay đủ để giải cứu các nền kinh tế thành viên gặp khó khăn về tài chính.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng eurobond là cách duy nhất đảm bảo khả năng thanh khoản cho các thành viên đang trầy trật với núi nợ và cứu Eurozone khỏi sụp đổ. Russell Silberston, Trưởng bộ phận nghiên cứu lãi suất trên toàn cầu thuộc công ty quản lý tài sản Investec, nói: "Đã đến lúc Eurozone phải lựa chọn: hoặc phát hành eurobond hoặc tất cả sẽ sụp đổ và bị nhấn chìm trong nợ nần".

Về lý thuyết, eurobond sẽ tạo điều kiện cho các nước Eurozone đang ngập nợ có thể tái tiếp cận các thị trường thương mại và mang lại cho các nhà đầu tư một sự bảo đảm. Để ngăn chặn các nước yếu hơn trong Eurozone giữ lại một phần các trái phiếu chung sau khi phát hành để sau đó bán lại với giá cao hơn, cần phải có sự hội nhập về tài chính hoặc ít nhất một khuôn khổ tài chính chặt chẽ hơn. Norbert Braems, nhà kinh tế hàng đầu của tổ chức nghiên cứu Oppenheim ở Cologne nói: "Một điều kiện tiên quyết để phát hành eurobond là EU tham gia kiểm soát ngân sách ở các quốc gia này" và phải có một cơ chế tự động xử phạt những sai phạm trong chính sách tài chính của các nước, hoặc phải có các giới hạn nợ ghi trong hiến pháp của mỗi nước.

Eurobond có thể được phát hành bởi một cơ quan quản lý nợ của châu Âu, đại diện cho tất cả các cơ quan phát hành trái phiếu trong Eurozone. Loại trái phiếu này có thể ngăn chặn các thị trường "tấn công" trái phiếu của các nước Eurozone.

Ban đầu các nhà đầu tư có thể xin bù giá khi mua các trái phiếu chung này và cơ quan phát hành cần tăng mức độ tín nhiệm để eurobond có được xếp hạng AAA. Sau cùng, eurobond có thể thay thế trái phiếu chính phủ của mỗi quốc gia, tối đa hóa thanh khoản và trở thành sự lựa chọn hấp dẫn thay thế các loại trái phiếu kho bạc Mỹ.

Nhà chiến lược Matteo Regesta thuộc công ty BNP Paribas cho rằng phát hành eurobond sẽ là bước đi quan trọng hướng tới sự hội nhập tài chính mà các nước Eurozone đang cần. Ông nói: "Eurozone có một chính sách tiền tệ chung, nhưng không có một chính sách tài chính nhất quán và đó là lý do tại sao hiện giờ khu vực này đang phải hứng chịu nhiều sức ép".

Nguồn tin: Tamnhin.net

ĐỌC THÊM