Thép chẳng đưa đi đâu được nhưng vẫn phải nằm chờ ở cảng đợi cắt ra 1 mẩu mang đi giám định. 1.000 tấn thép nằm ở kho 10 ngày, 15 ngày thì doanh nghiệp bị mất rất nhiều chi phí”, ông Nguyễn Giang Tiến, chuyên gia lĩnh vực Logistics cho biết.
Tại hội thảo “Báo cáo kết quả khảo sát năm 2015 về mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan” sáng ngày 12/11, vấn đề kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hải quan tiếp tục bị các doanh nghiệp than thở.
Theo ông Tiến, từ năm 2000, Tổng cục Hải quan có phong trào về hải quan 1 cửa nhưng đến giờ vẫn chưa kết nối được giữa các bộ ban ngành. Trong thời gian tới, Tổng cục nên xúc tiến vấn đề này cho doanh nghiệp được nhờ.
Ông Tiến cũng nêu ra khó khăn lớn với doanh nghiệp hiện nay là vấn đề giấy phép chuyên ngành. Dệt may, thủy sản đã khốn khổ rồi, nhưng đối với doanh nghiệp thép việc này càng khó khăn hơn. Cả nghìn tấn thép chỉ đợi 1 mẩu đi giám định mà nằm im 10 đến 15 ngày gây tốn kém, tổn thất chi phí doanh nghiệp.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hải Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang làm khó ngành thủy sản.
Đến cả dệt may cũng phải nhìn thủy sản “vừa lắc vừa gật” vì vất . Thủy sản liên quan đến không dưới 6 bộ ngành, vừa liên quan đến nông, ngư dân, vừa liên quan đến sản xuất, công nghiệp, chế biến rồi xuất nhập khẩu.
Sự cạnh tranh của sản phẩm chính là giá thành. Mà giá thành được tạo lên từ 1 chuỗi rất nhiều yếu tố liên quan như thế.
Theo ông, thủy sản là ngành mà cả sản xuất và xuất khẩu đều liên quan đến chuyên ngành khá nặng nề. Ngành hải quan đã hỗ trợ những ngành thực sự có năng lực như ngành thủy sản, tận dụng nội lực của Việt Nam để tăng trưởng kinh tế thì cần một sự nỗ lực đồng bộ của bộ ngành khác liên quan để đạt hiệu quả tốt nhất.
“Các ngành nên giống như Bộ Tài chính, coi doanh nghiệp là đối tác. Nếu thực sự như vậy thì sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, thực sự tạo ra được bệ phóng để doanh nghiệp phát huy năng lực cạnh tranh nhiều hơn”, ông Nam kiến nghị.
Tại hội thảo, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia lĩnh vực hải quan cho biết, 72% thời gian thông quan hiện nay thuộc về các ngành khác. Bởi thế, dù ngành hải quan đã cải cách thủ tục rất tích cực nhưng phản hồi từ doanh nghiệp vẫn có những điều phàn nàn.
Trong đó, so với năm 2014, hơn 80% doanh nghiệp trả lời thủ tục không nhanh hơn, 70% – 80% doanh nghiệp trả lời thời gian không nhanh hơn, 80% -90% thì trả lời chi phí không thấp hơn và thậm chí cao hơn.
Phạm vi chuyên ngành rất rộng nhưng cách quản lý hiện nay cuả chúng ta là tất cả tập trung vào khâu thông quan, các bộ đều cho rằng phải có kết quả kiểm tra liên ngành mới được chấp thuận.
“Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra sau thông quan. Hiện nay, thời gian để kiểm tra thông quan ít nhất là 2 ngày, nhiều là 7 – 10 ngày, nếu chuyển về sau thông quan đã đỡ được 7 – 10 ngày cho doanh nghiệp, thời gian và chi phí đều bớt gánh nặng”, ông Bình nhấn mạnh.
Ông Bình cũng đặt câu hỏi: “Hiện nay, Tổng cục Hải quan là nơi khó nhất vẫn có thể điện tử hóa những tại sao nhiều bộ ngành không điện tử hóa đi? Như thế, việc phụ thuộc vào giấy tờ sẽ đỡ đi rất nhiều”.
“Lực lượng hải quan, Bộ Tài chính đã thể hiện sự đồng tâm với doanh nghiệp nhưng đồng bộ với các chuyên ngành chúng ta chưa làm được. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế của chúng ta”, Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC bình luận tại hội thảo.
Ông Huỳnh cũng nhấn mạnh, các bộ đều là cơ quan của Chính phủ, Chính phủ cần “xắn tay” để giải quyết vấn đề này. Tiếng kêu của riêng Bộ tài chính, của Tổng cục Hải quan cũng không thể chuyển hóa được dù mạnh mẽ đến đâu.
Nguồn tin: Bizlive