Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Một năm khắc nghiệt

Xuất khẩu đạt kết quả ngoài mong đợi, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8% - một con số không đến nỗi nào, nhưng đằng sau những con số lạc quan ấy là một bức tranh rất khác của các doanh nghiệp ngành công nghiệp.

2011 là năm thành công ngoài mong đợi đối với cả hai ngành dệt - may và da - giày, nếu nhìn ở khía cạnh kim ngạch xuất khẩu. Số liệu ước tính đến cuối tháng 12 cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của hai ngành này đã vượt 23 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, ngành dệt - may chiếm 15,6 tỉ đô la Mỹ, tăng 28% so với năm trước, còn giày và túi xách đạt 7,5 tỉ đô la Mỹ và tăng tới 25%. Ở thị trường nội địa, các doanh nghiệp cũng đạt bước phát triển ấn tượng, với giá trị khoảng 1 tỉ đô la Mỹ hàng dệt - may và giày đạt khoảng 750 triệu đô la Mỹ, chiếm gần một nửa thị trường trong nước.

Tuy nhiên, với từng doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong nước, thì năm nay lại là một năm đầy khắc nghiệt, thậm chí là khắc nghiệt nhất trong hơn 10 năm qua. Việc có dư giả những đơn đặt hàng xuất khẩu cũng không giúp được nhiều công ty thoát khỏi nguy cơ phá sản. Tin tức về những vụ đóng cửa, bán nhà máy để trả nợ đã bắt đầu xuất hiện và sẽ ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, nói: “Đến cuối năm 2012, những doanh nghiệp nào đủ sức tồn tại sẽ rõ ra hết”. Ngành dệt - may cũng trong tình cảnh tương tự. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp nào tồn tại được đến giờ này đã là có thực lực tốt, nhưng đến cuối năm 2012 chúng ta sẽ biết ngành dệt - may sẽ còn lại những ai.

Điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam năm 2011 là lĩnh vực xuất khẩu, nhưng ngay cả những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng cảm thấy mong manh. Đối với những công ty chủ yếu sống nhờ thị trường nội địa, họ vừa phải chịu sức ép về chi phí sản xuất leo thang, lãi vay tín dụng cao ngất ngưởng, vừa phải đối phó với tình trạng sức mua suy giảm, nên tình cảnh càng bi đát hơn.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp của năm 2011 chỉ còn tăng 6,8%, giảm đến hơn một phần ba so với mức tăng của năm 2010 và thậm chí còn thấp hơn cả năm 2009, là năm ngành này bị tác động nặng nề bởi lạm phát phi mã ở trong nước và sức mua của thị trường thế giới suy giảm do khủng hoảng kinh tế.

Đáng ngại hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp trong những tháng cuối năm có xu hướng giảm liên tục và đến nay vẫn chưa thấy có dấu hiệu ngừng lại. Đồng thời, con số 6,8% tăng trưởng của ngành công nghiệp năm 2011 dường như vẫn còn hơi lạc quan so với những gì đang diễn ra đối với ngành này, khi mà chỉ số tồn kho cứ tăng liên tục, từ 15,9% hồi tháng 6 lên 21,5% vào tháng 10 và đến tháng 12-2011 lại tiếp tục vọt lên 23%. Chỉ số sản xuất công nghiệp mỗi tháng một suy giảm, trong khi tỷ lệ tồn kho thì mỗi ngày một tăng lên, là dấu hiệu cho thấy kịch bản 2009 đang trở lại với năm 2012, nhưng có thể còn tồi tệ hơn nhiều.

Bi đát nhất có lẽ là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, sản lượng tiêu thụ thép, xi măng, gạch ốp lát... không tăng trưởng, thậm chí còn sụt giảm. Trong đó, ngành thép giảm đến 8%. Riêng ngành sản xuất gạch ốp lát, dù các nhà máy đã giảm công suất vận hành xuống còn 70%, thấp hơn rất nhiều so với mức 90% của năm 2010, nhưng vẫn tồn kho và mức tồn kho tương đương sản lượng của hơn một tháng sản xuất. Nhiều công ty xi măng, thép, gạch ốp lát đã phá sản và rất nhiều đơn vị khác cũng đang bước đến ngưỡng phá sản. Một vị lãnh đạo của Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết gần một phần ba doanh nghiệp thép xem như đã phá sản trên thực tế. Ông này nói: “Các doanh nghiệp này đã không còn khả năng trả các khoản nợ, hiện chỉ thoi thóp nhờ còn tiếp tục được ngân hàng bơm vốn”.

Những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất khẩu cũng đứng trước nguy cơ không kém. Nhìn vào những con số thống kê thật ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu của các ngành dệt - may, da - giày và chế biến gỗ... chúng ta có thể nghĩ các doanh nghiệp trong ngành này đang phát triển. Điều này có lẽ chỉ đúng với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Còn với đa số doanh nghiệp trong nước, nguy cơ thu hẹp sản xuất đang hiển hiện trước mắt. Do tiềm lực tài chính yếu, không chịu nổi với sức ép chi phí đầu vào, nhất là lãi vay tín dụng, họ đang để mất dần thị phần. Chẳng hạn như ở ngành chế biến gỗ, trước đây khối doanh nghiệp trong nước chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành, nay chỉ còn lại khoảng 40%. Hay trong lĩnh vực sản xuất túi xách, trong tổng giá trị 1,3 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu của năm 2011, chỉ có khoảng 5% thuộc về các doanh nghiệp trong nước.

Có thể thấy, sự sống còn của rất nhiều nhà công nghiệp trong nước giờ đây đang phụ thuộc vào khả năng hồi phục sức mua của thị trường nội địa trong năm 2012 và lãi suất tín dụng có sớm trở về mức bình thường là 10-12%/năm hay không?

Đối với ngành vật liệu xây dựng, những chỉ thị của Chính phủ về hướng quản lý thị trường bất động sản, đầu tư công, như siết chặt cho vay đối với những dự án bất động sản mới, và chủ trương chỉ tập trung nguồn vốn nhà nước cho các công trình sẽ hoàn thành trong năm 2012, cho thấy ít có hy vọng thị trường sẽ sớm hồi phục, mà thậm chí nhu cầu còn có thể thu hẹp.

Các ngành xuất khẩu cũng khó lạc quan khi thị trường thế giới đang chao đảo với cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Đến nay, tình trạng khan hiếm đơn hàng xuất khẩu đã bắt đầu xuất hiện với các ngành da - giày, dệt - may, chế biến gỗ... Theo khảo sát sơ bộ của Hiệp hội Da giày Việt Nam, đến cuối tháng 12-2011 mới có 50% số doanh nghiệp lớn được tham khảo ký được hợp đồng xuất khẩu đến hết quí 1, 25% ký được đến hết quí 2-2012, số còn lại đang chờ.

Trong khi đó, thị trường trong nước đang chịu sức ép ngày càng lớn hơn từ đối thủ cạnh tranh từ bên ngoài, nhất là Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong nước vốn đã kiệt quệ trước sức ép về chi phí sản xuất, lãi vay tín dụng, thì nay đang đứng ngồi không yên trước thông tin Bộ Tài chính sẽ bật đèn xanh cho ngành than tăng giá bán than cho ngành điện, từ mức 57-63% giá thành sản xuất than hiện nay lên 72-80%. Điều này đồng nghĩa giá điện hứa hẹn sẽ còn tăng mạnh và sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nguy khốn.

Nguồn tin: TBKTSG

ĐỌC THÊM