Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Một số doanh nghiệp phản đối đề xuất dự trữ lưu thông

Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) và Hiệp hội Phân bón Việt Nam vừa có ý kiến phản đối đề xuất của Bộ Công Thương về việc các doanh nghiệp phải dự trữ lưu thông bắt buộc 3%-12% đối với 5 mặt hàng thiết yếu là gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA, theo dõi số liệu tiêu thụ thép của cả nước 5 năm (từ 2005-2010), mức tiêu thụ thép chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất thép xây dựng của các công ty và thị trường trong nước những năm qua chưa bao giờ thiếu thép xây dựng. Việc quy định giá “bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%” chỉ có lợi cho các công ty trung gian.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng cho biết, nhiều doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng có ý kiến phản đối dự thảo của Bộ Công Thương. Việc đưa hàng hóa vào diện dự trữ lưu thông để kiểm soát nguồn cung chỉ áp dụng khi có thảm họa thiên tai, chiến tranh hay thiếu hàng hóa, còn hiện tại không có lý do gì đưa phân bón vào diện dự trữ lưu thông cả.

Theo ông Thúy, không nên bắt buộc mọi DN tham gia dự trữ, mà chỉ nên giao việc này cho các Tập đoàn, Tổng Công ty hay Công ty Nhà nước. Dự thảo yêu cầu các DN sản xuất kinh doanh phân bón phải dự trữ từ 5 đến 12% lượng phân bón, đồng thời, giá mua vào thì phải theo thị trường, nhưng bán ra thì phải thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%.

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, việc đưa ra quy định dự trữ với 5 mặt hàng trên nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời, đầy đủ nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thiết yếu tại từng khu vực địa lý khi mất cân đối cung cầu đột biến, ảnh hưởng đời sống nhân dân và tình hình kinh tế xã hội.

Nguồn tin: Tiền Phong

ĐỌC THÊM