Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Một số doanh nghiệp phôi thép phải ngừng hoạt động

Chiều 24/7, trong buổi trả lời chất vấn của Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết hiện toàn thành phố có 13 doanh nghiệp sản xuất thép.

Tuy nhiên trong hai tháng vừa qua, một số doanh nghiệp cán thép, sản xuất thép tiếp tục phải tạm ngừng một số ngày sản xuất nhằm đẩy mạnh tiêu thụ số thép tồn kho, thậm chí phải giảm giá bán để tiêu thụ.

Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất phôi thép đã phải ngừng hoạt động. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, lượng thép tồn kho của Hải Phòng là 62.000 tấn, nợ bảo hiểm xã hội là 21 tỷ đồng, nợ ngân hàng 3.400 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 2.000 tỷ đồng, nợ thuế 54,7 tỷ đồng…

Sản xuất thép ở Hải Phòng từng là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp trên 20% về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của thành phố. Hải Phòng cũng là một trong những địa phương sản xuất thép lớn của cả nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp sản xuất thép gần như không có lãi và đã có 8 doanh nghiệp ngừng sản xuất.

Phân tích nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sản xuất thép gặp khó khăn, ông Dương Ngọc Tuấn cho rằng về khách quan, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tổng cầu giảm, thị trường bất động sản chưa được cải thiện. Trong khi đó, doanh nghiệp thép phải chi phí vốn quá cao, giá các vật tư, nhiên liệu đầu vào tăng, giá than, giá xăng, giá điện đều tăng vài chục phần trăm.

Từ đầu năm 2011, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép tăng từ 20-30%. Mặc dù giá phôi thép không giảm nhưng các doanh nghiệp buộc phải giảm giá để bán hàng, giảm lượng tồn kho. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp phải sự cạnh tranh gay gắt giữa thép trong nước và thép nhập khẩu, nhất là thép giá rẻ, nhập khẩu từ Trung Quốc.

Nguyên nhân sâu xa là quy hoạch ngành thép còn nhiều yếu kém, tập trung chủ yếu quy hoạch sản xuất thép xây dựng mà không có các mặt hàng chiến lược khác. Đa số các công ty trong nước đầu tư công nghệ sản xuất thép lạc hậu, tốn nhiên liệu nên giá thành sản phẩm không mang tính cạnh tranh. Việc thu hút đầu tư không mang tính chọn lọc, chú trọng đầu tư theo chiều rộng hơn chiều sâu, chạy theo cái lợi trước mắt, không quyết liệt ngăn chặn các dự án yếu kém về năng lực tài chính và đầu tư công nghệ lạc hậu.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn, ông Dương Anh Điền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết thành phố đã chỉ đạo các ngành tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp sản xuất thép nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung. Trong tháng 5/2013, Hải Phòng đã xem xét đề án tái cấu trúc của Công ty cổ phần Thép Việt Nhật, cùng ngồi lại với các "chủ nợ" như ngân hàng, điện có kế hoạch khoanh nợ, giãn hoãn nợ cho công ty này.

Theo ông Dương Ngọc Tuấn, để các công ty thép vượt qua khó khăn, không có cơ quan nhà nước nào có thể giúp đỡ được doanh nghiệp nếu các doanh nghiệp không tự cứu mình bằng các giải pháp như đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, cân bằng đầu tư, tăng cường liên kết với nhau, thay thế các công nghệ lạc hậu bằng cách tập trung đổi mới công nghệ, cải tiến kỹ thuật, chuyển đổi hướng đầu tư bền vững.

Các doanh nghiệp cũng cần điều chỉnh năng suất, tiết giảm chi phí sản xuất; tăng cường nắm bắt thông tin, theo dõi sát thị trường trong nước và thế giới, dự báo, phân tích kịp thời để sản xuất, kinh doanh, phân loại đối tượng khách hàng để sản xuất theo các tiêu chuẩn phù hợp.

Về phía các cơ quan nhà nước, ngoài triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn do Chính phủ chỉ đạo, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cũng thực hiện một số giải pháp chủ yếu để giúp ngành thép như kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án không đủ điều kiện triển khai, tăng cường quản lý quy hoạch ngành thép, không để tình trạng đầu tư ngoài quy hoạch.

Sở Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp ngành thép cần rà soát, đánh giá để dự báo chính xác về nhu cầu thép để các doanh nghiệp tiết giảm sản xuất, tránh dư thừa hàng tồn kho; nghiên cứu, đề xuất việc tăng thuế nhập khẩu đối với sản phẩm trong nước đã sản xuất được, hạ thuế đối với mặt hàng chưa sản xuất; rà soát, tham mưu việc xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với thép nhập khẩu, giảm nhập thép kém chất lượng trong nước đã sản xuất được.

Sở Công Thương và Hiệp hội doanh nghiệp ngành thép đơn giản hóa thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng để tránh nợ đọng cho doanh nghiệp; kiểm tra, xử lý mạnh tay đối với các doanh nghiệp sản xuất thép kém chất lượng làm ảnh hưởng đến thị trường thép.

Nguồn tin : Baomoi

ĐỌC THÊM