Tín hiệu vui từ thị trường trong nước thời gian gần đây là việc một số mặt hàng tiêu dùng có xu hướng giảm giá. Nguồn cung dồi dào cộng với nhu cầu tiêu thụ giảm tạo nên xu hướng này. Thép hạ giá 400.000 đồng/tấn Tiêu thụ thép sụt giảm kéo giá bán đi xuống (Ảnh minh họa)
Thị trường thép xây dựng trong nước năm nay tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Những năm trước, thời điểm này là cao điểm của mùa xây dựng, song năm nay, sức mua đã sụt giảm tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài nguyên nhân khách quan là giá nguyên liệu phôi thép trên thị trường thế giới liên tục sụt giảm, thì nguyên nhân chính khiến giá thép giảm là do nhu cầu tiêu thụ trong nước giảm mạnh.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, do cung vượt cầu nên trong tháng 4 vừa qua, nhiều doanh nghiệp thương mại có nhu cầu xả hàng nên giá thép xây dựng đã chững lại, và có xu hướng sụt giảm. Từ cuối năm 2010, thép tăng giá bán liên tục nhưng đến tháng 4 vừa qua, thép Pomina ở miền Nam đã giảm giá 400.000 đồng/tấn. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy xuống còn 18,5 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 18,4 triệu đồng/tấn (đã gồm thuế VAT). Giá thép bán lẻ ngoài thị trường tự do cũng hạ thêm 200.000 đồng/tấn, xuống mức 18,1 - 18,2 triệu đồng/tấn. Giá bán lẻ lại thấp hơn giá giao tại nhà máy từ 150.000 - 200.000 đồng/tấn do các đại lý muốn đẩy nhanh lượng hàng bán ra. Điều này một lần nữa khẳng định, mức tiêu thụ đột biến của thép trong tháng 2-2011 đạt 475.000 tấn là do đầu cơ tích trữ hàng chứ không phải mức tiêu thụ thực tế.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, nguồn cung thép trong nước sẽ được đảm bảo. Tiêu thụ thép trong quý II sẽ ở mức trung bình (300.000 tấn/tháng). Đặc biệt, nhằm kiềm chế làm phát, Bộ Tài chính đã đưa mặt hàng thép xây dựng vào diện kiểm tra thuế và giá. Như vậy, giá mặt hàng này sẽ khó tăng trong tháng tới. Trước mắt, tháng 5 này, giá thép sẽ duy trì ở mức ổn định.
Đường bớt “sốt” giá
Tính đến hết tháng 3-2011, tổng lượng đường sản xuất trong nước vào khoảng 860.00 tấn, lượng đường tồn kho vào khoảng 418.900 tấn, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đường trong nước những tháng tới. Thêm vào đó, Bộ Công Thương đã cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu 250.000 tấn đường trong năm 2011, trong đó 50.000 tấn đường đã được nhập khẩu về Việt Nam. Hiệp hội Mía đường Việt Nam đang lo ngại, đường nhập khẩu về càng tạo áp lực ép giá đường trong nước giảm xuống.
Thời điểm hiện tại nhu cầu tiêu thụ đường trong nước đang ở mức thấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá đường giảm so với 2 tháng trước. Hiện giá đường bán buôn đã giảm hơn 1.000 đồng/kg, xuống mức 17.000 -18.500 đồng/kg nhưng rất khó tiêu thụ. Giá đường bán lẻ tại các chợ giảm 3.000 - 4.000 đồng/kg so với giá cao điểm hồi tháng 2-2011, giảm xuống còn 20.000-21.000 đồng/kg. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá đường chỉ khoảng 17.200-17.300 đồng/kg. Giá bán buôn đường trắng tinh luyện tại kho nhà máy hiện dao động trên dưới 18.000 đồng/kg; đường RE Biên Hoà từ 20.200 - 21.200 đồng/kg, cao hơn khoảng 4.000 đồng so với đường nhập khẩu; giá bán lẻ tại chợ cũng cao hơn đường nhập từ 6.000 - 8.000 đồng/kg.
Theo Bộ NN&PTNT, năm nào vào thời điểm này, đường tiêu thụ cũng bị chậm. Trong những tháng tới, khi nắng nóng diễn ra trên diện rộng, nhu cầu mua đường để sản xuất và tích trữ tại các doanh nghiệp sản xuất đồ uống, thực phẩm, sữa sẽ tăng và có thể giá đường sẽ lại được điều chỉnh.
Nguồn: ANTĐ