Nguồn: ATPvietnam
Chùm tin vắn kinh tế trong và ngoài nước ngày 25/11.
Giá gas sẽ tăng 18.000 đồng/bình 12 kg. Thông tin từ các công ty kinh doanh gas cho biết: Giá gas đang chào bán trên thị trường quốc tế là 857 USD/tấn, tăng 70 USD/tấn so với đầu tháng 11, nguyên nhân do nhu cầu sử dụng gas vào mùa đông thường tăng mạnh, giá dầu thô vẫn trên 80 USD/thùng. Nếu từ nay đến cuối tháng 11, giá gas thế giới không giảm thì đến đầu tháng 12-2010, giá gas trong nước sẽ tăng khoảng 18.000 đồng/bình 12 kg. Khi đó, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ lên tới 316.000 đồng/bình 12 kg.
Có thể nộp thuế qua điện thoại di động.Từ 1/1/2011, người nộp thuế được lựa chọn phương thức nộp thuế điện tử thông qua các kênh như Internet, điện thoại di động hoặc máy ATM của ngân hàng hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Thông tư số 180 về hướng dẫn kê khai, nộp thuế theo phương thức điện tử vừa được Bộ Tài chính ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011. Theo đó, người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử qua cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ (thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, Tết).Ngoài ra, người nộp thuế có thể lựa chọn hình thức giao dịch qua Internet, điện thoại di động, máy ATM của ngân hàng (nơi người nộp thuế mở tài khoản).
Tắc đàm phán giá điện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại không thể thống được giá mua bán điện chính thức của Nhà máy Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 1, Dự án Nhiệt điện khí Nhơn Trạch 2 và Dự án nhiệt điện than Vũng Áng 1 do PVN đầu tư. Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 (NT1) công suất 450 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng đã được hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng từ ngày 22/8/2009. Tính đến ngày 1/10/2010, NT1 đã phát lên lưới quốc gia 5,4 tỷ kWh điện. Tuy nhiên, việc có một giá điện chính thức để thanh toán dứt điểm giữa người mua và người bán vẫn chưa biết khi nào mới có. Hiện tại, để có cơ sở cho việc thanh toán tiền điện, từ cuối năm 2009, Công ty Mua bán điện (EPTC) thuộc EVN và Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PVP) thuộc PVN, đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA) với giá điện tạm tính dựa trên một số thông số tương đương được cơ quan chức năng phê chuẩn trong quá trình đàm phán giá điện của hai dự án Cà Mau 1 và 2 trước đó.
Chính thức rút phép “siêu dự án” 4,15 tỉ USD. Sau thời gian xử lý các thủ tục pháp lý liên quan đến “siêu dự án” 4,15 tỉ USD, hôm qua 24.11, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Công ty TNHH Tập đoàn Bãi biển Rồng, với lý do công ty không thực hiện ký quỹ bảo đảm đầu tư theo cam kết, không tiến hành lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, không triển khai các bước thực hiện đầu tư… Dự án Khu du lịch sinh thái Bãi biển Rồng tại xã Điện Dương, huyện Điện Bàn do hai công ty của Mỹ là Tano Capital LLC và Global D&C INC liên doanh, là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Quảng Nam.
Trà Vinh hút vốn đầu tư vào kinh tế biển. Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Định An có tổng diện tích hơn 39.000 ha thuộc huyện Trà Cú và huyện Duyên Hải, với mục tiêu xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp gắn kinh tế biển với các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất điện năng, luyện thép, hóa dầu, công nghiệp đóng tàu biển cùng với các ngành công nghiệp bổ trợ khác; phát triển du lịch, kinh tế cảng, khu phi thuế quan gắn với cảng và khu dân cư đô thị.Trong giai đoạn I, Khu kinh tế Định An triển khai đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, khu công nghiệp và khu chức năng; xây dựng theo quy hoạch Khu du lịch Ba Động, nâng cấp hai thị trấn lên thị xã Duyên Hải và thị xã Định An. Như vậy, trong tương lai, các huyện phía Đông của tỉnh sẽ trở thành khu thương cảng quốc tế, thị xã sầm uất bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long và sức hút nhà đầu tư đến với tỉnh Trà Vinh chắc chắn sẽ gia tăng.
Hà Nội: Đầu tư hơn 22.000 tỷ đồng cho XDCB trong 10 tháng. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31/10/2010, UBND Thành phố đã giao 22.039,197 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB), trong đó: vốn đầu tư XDCB tập trung 19.124,696 tỷ đồng; Vốn chương trình có mục tiêu có tính chất đầu tư phát triển là 1.490,0 tỷ đồng cho chỉnh trang đô thị. Vốn trái phiếu Chính phủ là 448,576 tỷ đồng, gồm: các dự án thủy lợi, y tế tuyến tỉnh, nhà công vụ cho giáo viên, ký túc xá,…Vốn xổ số kiến Thủ đô là 147, 925 tỷ đồng được phân bổ cho 26 dự án xây dựng trường học. Vốn ứng trước từ ngân sách Trung ương là 828 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội hoàn thành trong năm.Vốn xây dựng cơ bản đã thực hiện đạt khoảng 15.109 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch; giá trị giải ngân đạt 11.687 tỷ đồng, bằng 61,2% kế hoạch (gồm cả số giải ngân qua Kho bạc và Quỹ Đầu tư phát triển). Ước khối lượng thực hiện và giải ngân đến hết 31/12/2010 đạt 108,44%.
Hà Nội có 396 điểm bán hàng bình ổn. Theo Sở Công thương TP Hà Nội, nhằm thực hiện bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2010 và phục vụ Tết Tân Mão 2011, TP đã triển khai 396 điểm bình ổn trên toàn địa bàn. Trong đó có 52 điểm tại hệ thống siêu thị, 25 điểm tại các cửa hàng chuyên doanh, các cửa hiệu tiện ích, 72 điểm tại các chợ truyền thống, còn lại là hệ thống cửa hàng, đại lý khác (trong đó có 112 điểm bán hàng lưu động dự phòng khi thị trường xảy ra biến động). Các điểm bán hàng năm nay được phân bố rộng khắp trên địa bàn Hà Nội và tăng gấp đôi so với năm 2009. Ông Nguyễn Văn Đồng, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tại Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán này tăng 20-22% so với các tháng trong năm.
Romania quan tâm tới lĩnh vực dầu khí Việt Nam. Ông Valentin Brebenel - Điều phối viên Romania tại châu Á, đại diện Bộ Kinh tế Thương mại và Môi trường kinh doanh Romania khẳng định thị trường mà nước này muốn vươn tới mở rộng trong thời gian tới là Việt Nam. Tại tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Romania, tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội, ông Valentin Brebenel cho biết dầu khí và hóa dầu sẽ là một trong những lĩnh vực trọng tâm trong quá trình phát triển quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai nước. Theo ông Valentin Brebenel, Romania sẵn sàng chào đón bất cứ một đề xuất nào liên quan đến vấn đề này, từ khoan thăm dò dầu khí đến khai thác dầu khí, xây dựng nhà máy lọc dầu, kể cả việc hai bên hợp tác khai thác thêm nguồn dầu khí ở nước ngoài và hy vọng hai nước sẽ đạt được con số đầu tư trên 100 triệu USD, riêng trong lĩnh vực dầu khí.
Long An đầu tư hơn 950 tỷ đồng xây dựng 2 tuyến đường. Dự án đường Quốc lộ 62 - Tân Hưng được đầu tư 832 tỷ đồng. Dự án xây dựng, nâng cấp đường ĐT 823 có tổng vốn hơn 137 tỷ. Ngày 18/11/2010, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường QL62-Tân Hưng (cặp kênh 79). Thời gian thực hiện dự án 5 năm với tổng mức đầu tư 832 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Dự án do Sở Giao thông Vận tải Long An làm chủ đầu tư. Công ty cổ phần Tấn Phát là tổ chức Tư vấn lập dự án và thiết kế cơ sở. Mục tiêu đầu tư là nâng cấp tuyến đường trên nhằm rút ngắn khoảng cách từ Quốc lộ 62 đến huyện Tân Hưng đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, giao thương giữa các vùng và tỉnh Đồng Tháp. Tuyến đường được xây dựng tại huyện Mộc Hóa, Tân Thạch, Tân Hưng, có chiều dài tuyến khoảng 42,1km. Dự án gồm công trình đường giao thông cấp IV và các cầu bằng bê tông cốt thép.
Giá gạo có thể tăng do mùa màng thất bát. Nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới Thái Lan cho biết sản lượng lúa vụ thu hoạch chính của nước này, chiếm 70% tổng sản lượng của Thái Lan, có thể giảm 7% do trận lũ lụt tồi tệ vừa qua. Bão và lũ lụt tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ vừa qua, kể từ tháng 7-2010, đã phá hủy mùa lúa tại Thái Lan, Việt Nam và Pakistan - ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - và khiến giá gạo tăng cao. Khoảng 11 triệu Rai (*) đất nông nghiệp, tương đương 8,5% tổng diện tích đất nông nghiệp, đã bị ngập nước. Ngoài ra, lũ lụt cũng làm ngập khoảng 8,3 triệu Rai đất sản xuất lúa.Theo Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan, giá gạo đã tăng 63% kể từ tháng 6-2010. Gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng lên 552 đô la Mỹ/ tấn vào ngày 17-11, cao nhất kể từ ngày 17-2.
Đất hiếm Trung Quốc lại sang Nhật Bản. Ngày 24-11, các quan chức Nhật Bản xác nhận việc hai tàu thủy chở quặng đất hiếm đã rời cảng Trung Quốc đi Nhật Bản, trong khi tập đoàn Sojitz của Nhật Bản công bố vừa đạt được thỏa thuận với tập đoàn khai khoáng Lynas của Úc về việc nhập khẩu quặng đất hiếm nhằm đa dạng hóa nguồn cung.Việc nối lại này diễn ra khoảng 2 tháng sau khi trên thực tế, các công ty Nhật Bản không thể thực hiện được hợp đồng nhập đất hiếm từ Trung Quốc. Trung Quốc đang kiểm soát 97% tổng sản lượng quặng đất hiếm toàn cầu. Đất hiếm được sử dụng trong các ngành công nghệ cao như chế tạo điện thoại di động, đĩa laser, xe hơi lai, thiết bị điện tử... Kể từ tháng 9, Nhật Bản trên thực tế không thể nhập khẩu đất hiếm từ Trung Quốc như trước đó vẫn làm. Sự ngừng đột ngột này có nguồn gốc từ sự căng thẳng ngoại giao Trung - Nhật.