Chùm tin vắn kinh tế trong và ngoài nước ngày 22/11. Hải Phòng vẫn "đủng đỉnh" trong việc bán nhà công. Tuy hơn một lần Nghị định 61 của Chính phủ về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước (nhà công) được gia hạn, song số nhà công cần bán tại Hải Phòng trên thực tế vẫn còn khá lớn.Hải Phòng hiện còn khoảng 4.000 căn hộ thuộc sở hữu nhà nước (chiếm 40% tổng số nhà công) cần bán. Sau nhiều năm (kể từ 2009 trở về trước) thực hiện chủ trương bán nhà công cho người sử dụng, thành phố mới bán được khoảng 10.000 căn hộ (chiếm 60% số nhà công) thu về ngân sách 525 tỷ đồng. Với cách làm hiện nay, thành phố ít nhất cũng phải cần tới 5 năm nữa mới có thể bán hết số nhà công trong khi chỉ còn hơn một tháng nữa (hết năm 2010), cũng là lúc hết thời hiệu của Nghị định 61. ĐBSCL đưa diện tích nuôi thủy sản lên 830.000ha. Theo quy hoạch của Viện Kinh tế Quy hoạch Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến năm 2015, diện tích nuôi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 830.000ha, sản lượng đạt 2,97 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu 4,47 tỷ USD. Đối tượng nuôi chủ yếu gồm tôm sú, tôm chân trắng, cá tra, cá rô phi, nghêu (phục vụ xuất khẩu), tôm càng xanh, cá điêu hồng, chim trắng, thác lác, bống tượng, sò huyết, vẹm xanh, bào ngư, ốc hương (phục vụ trong nước). Các phương thức nuôi chủ yếu là quảng canh cải tiến đối với tôm sú và nghêu; nuôi thâm canh đối với tôm chân trắng và cá tra; các đối tượng còn lại nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh. VietA Bank được cấp phép thành lập Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản. Ngày 18/11/2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định số 2764/QĐ-NHNN chấp thuận việc thành lập Công ty TNHH một thành viên Quản lý nợ và khai thác tài sản của Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Việt Á. Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản – Ngân hàng TMCP Việt Á, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trụ sở chính tại số 119 – 121 Nguyễn Công Trứ, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Ngân hàng TMCP Việt Á có trách nhiệm đăng ký kinh doanh và đăng báo theo quy định của pháp luật đối với Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản; thành lập, tổ chức quản lý hoạt động của Công ty này theo đúng các quy định của pháp luật, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Ngân hàng. VIB giảm 50% phí dịch vụ bao thanh toán nội địa. Nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc bán hàng trả chậm và tăng cường sức mạnh tài chính do được ứng tiền ngay cho các khoản phải thu, từ nay đến 31/12/2010, VIB triển khai chương trình “Bao thanh toán, mùa vàng bội thu 2010” để góp sức cùng doanh nghiệp sớm về đích năm 2010. Theo đó, VIB sẽ giảm phí dịch vụ Bao thanh toán nội địa cho khách hàng doanh nghiệp lên đến 50%; mức ứng trước bao thanh toán lên đến 85% trị giá khoản phải thu, thời hạn bao thanh toán lên đến 180 ngày và hạn mức cấp bao thanh toán tối đa 12 tháng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như miễn giảm phí dịch vụ chuyển tiền trong nước, phí nhờ thu, phí sử dụng dịch vụ VIB4U. Lần đầu tiên có phần mềm cảnh báo rủi ro cho doanh nghiệp. Công ty cổ phần SIS Việt Nam vừa ra mắt phần mềm cảnh báo những rủi ro trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Hiện tại thị trường Việt Nam có tới hàng trăm nhà cung cấp phần mềm kế toán, nhưng hầu hết các sản phẩm này mới chỉ dừng lại ở việc giúp doanh nghiệp làm báo cáo tài chính, báo cáo thuế. SIS Việt Nam cho biết, SAS INNOVA 8.0 hoàn toàn khác. Phần mềm này có chức năng cảnh báo các thông tin về hoạt động kế toán, thuế và quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, SAS INNOVA 8.0 sẽ cảnh báo người sử dụng khi những vi phạm quy định quan trọng của luật thuế, kế toán và của nội bộ doanh nghiệp. Một số cảnh báo được thiết lập sẵn như: nhập đúng mã số thuế hay chưa; thu chi tiền mặt quá 20 triệu; phiếu kế toán hạch toán bù trừ công nợ và tự động nhắc nhở phải làm biên bản xác nhận để làm chứng từ gốc… Hôm nay, chính phủ Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ được giao dịch với đồng rúp của Nga trên thị trường liên ngân hàng tại Trung Quốc.Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tính toán tỷ giá tham chiếu hàng ngày dựa trên mức trung bình từ nhóm ngân hàng thương mại được chỉ định. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc muốn khuyến khích đồng nhân dân tệ được sử dụng rộng rãi hơn trong thương mại và tài chính toàn cầu. Tháng 3/2010, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết ông lo lắng về việc nắm quá nhiều tài sản định giá bằng USD. Indonesia tìm cách giữ ổn định trái phiếu chính phủ. Bộ Tài chính Indonesia vừa thông báo Chính phủ Indonesia sẽ dành sẵn 9,4 tỷ USD trích từ ngân sách năm 2011 để mua lại trái phiếu chính phủ trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút vốn khỏi nước này. Agus Supriyanto, Trưởng bộ phận chính sách tài chính (BKF) thuộc Bộ Tài chính Indonesia ngày 15/11 nói, hiện Indonesia đang xem xét nhiều lựa chọn, kể cả việc áp dụng chính sách thuế cứng rắn hơn nhằm quản lý thị trường vốn. Tuy nhiên, đây không phải là quyết sách tốt nhất. Điều quan trọng là Indonesia sẵn sàng đủ tiền mặt để mua lại vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán và thị trường nợ. Bên cạnh đó, Cơ quan Điều phối đầu tư sẽ tăng cường theo dõi các nguồn vốn đã được đầu tư vào thị trường chứng khoán. EU sẽ giám sát ngân hàng nhưng bất đồng về thuế. Kết thúc cuộc họp ngày 16/11, tại Brussels, Bỉ, các bộ trưởng tài chính của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí siết chặt giám sát các ngân hàng, nhưng bất đồng về cách thức đánh thuế khu vực này và việc trao đổi thông tin về thuế giữa các nước. Các bộ trưởng cũng tán thành kế hoạch thành lập ba cơ quan mới vào tháng 1/2011 để giám sát các ngân hàng, các hãng bảo hiểm và các thị trường nhằm điều chỉnh những sai lầm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Ngoài ra, EU sẽ thành lập một cơ quan mới trực thuộc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) để đánh giá những rủi ro mang tính hệ thống đối với châu Âu nhằm phát hiện những nguy cơ nghiêm trọng hơn từ việc chuyển sang giai đoạn bất ổn tiếp theo với tình trạng bong bóng trên thị trường bất động sản. Japan Airlines đạt thỏa thuận về khoản vay mới. Hãng hàng không đang vật lộn với khó khăn Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản cuối tuần qua đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với các ngân hàng chủ nợ về khoản vay mới trị giá 284,9 tỷ yen, bước đi mới nhất trong giai đoạn tái cấu trúc dưới sự giám sát của tòa án. Dự kiến, kế hoạch tái trúc cấu của JAL có thể được Tòa án Quận Tokyo thông qua vào cuối tháng này, sau khi các ngân hàng và chủ nợ khác của JAL gần như chắc chắn sẽ "gật đầu" với khoản vay mới nói trên. Sau đó, JAL có thể nhận được tiền vay vào cuối tháng 3/2011. Hàng không Air China sẽ mua 20 máy bay Airbus. Hãng hàng không Air China của Trung Quốc cuối tuần qua thông báo sẽ mua 20 máy bay chở khách với trị giá gần 4,5 tỷ USD của Tập đoàn châu Âu Airbus. Theo thỏa thuận, Air China sẽ mua 10 máy bay Airbus A330 và 10 máy bay Airbus A350 với điều kiện thanh toán trả góp. Trong đó, các máy bay A330 sẽ được chuyển giao trong thời gian từ năm 2013-2015, còn thời gian này của các máy bay A350 là 2018-2020. Air China ước tính thương vụ này sẽ giúp tăng khả năng vận chuyển của hãng thêm 18,6%, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời giúp tiết kiệm chi phí cũng như cung cấp các dịch vụ có chất lượng cho hành khách. Nhật Bản-Mông Cổ đàm phán FTA vào đầu năm 2011. Sau cuộc hội đàm mới đây giữa Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Tổng thống Mông Cổ Tsakhia Elbegdorj nhân chuyến công du của ông tới Tokyo ngày 19/11, hai bên tuyên bố sẽ tiến hành các bước nghiên cứu ban đầu nhằm tiến tới thoả thuận thương mại tự do (FTA) giữa Nhật Bản và Mông Cổ vào đầu năm 2011. Lãnh đạo hai nước cũng đạt được thỏa thuận về hợp tác trong việc phát triển các nguồn tài nguyên như đất hiếm, một trong những nỗ lực của hai nước trong việc thắt chặt quan hệ hợp tác kinh tế song phương. Mông Cổ cho biết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho một số công ty Nhật Bản có các công nghệ tiến tiến, nhằm phát triển hoạt động khai thác các nguồn tài nguyên như đất hiếm, than đá và uranium tại quốc gia Trung Á này, tạo lợi ích cho cả hai bên. EU mở rộng thị trường cho hàng của Campuchia. Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã thông qua một dự luật sửa đổi, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Campuchia (hiện thuộc nhóm các nước kém phát triển nhất thế giới) xuất khẩu hàng hóa vào Liên minh châu Âu (EU). Dự luật sửa đổi nói trên dự kiến sẽ được thi hành từ 1/1/2011, theo đó 75% lượng hàng hóa xuất khẩu của Campuchia vào thị trường EU sẽ không phải trả bất kỳ một loại thuế nhập khẩu nào, đồng thời cũng nới lỏng yêu cầu của EU đối với các sản phẩm của Campuchia, giúp đất nước "Chùa tháp" xuất khẩu được nhiều loại mặt hàng hơn tới khu vực này. WB cam kết hỗ trợ các nước nghèo 128,7 tỷ USD. Trong nghiên cứu nhan đề "Phản ứng của Ngân hàng Thế giới (WB) đối với cuộc khủng hoảng kinh tế," Nhóm đánh giá độc lập (IEG) đã đánh giá cao những biện pháp mà WB phản ứng để hỗ trợ các nước nghèo vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Tổ chức chuyên đánh giá hiệu quả hoạt động của các định chế tài chính quốc tế trên nhấn mạnh phản ứng của WB phù hợp với tính chất của cuộc khủng hoảng khi WB kêu gọi tăng cường các nguồn tài chính để bù đắp cho những dòng vốn tư nhân bị giảm mạnh do khủng hoảng. Phản ứng trên chứng tỏ sự sẵn sàng của WB trước khủng hoảng dựa trên nguồn kiến thức của WB về tác động của đói nghèo, và đối thoại dài hạn với các nước về việc tăng nguồn tín dụng.
Hà Nội thu hồi các dự án vi phạm Luật Đất đai. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sau gần một năm tiến hành kiểm tra, rà soát các tổ chức được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn, Sở đã tham mưu giúp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành quyết định thu hồi đất đối với 13 dự án với tổng diện tích 13,93ha. Đối với 32 dự án chậm triển khai được Ủy ban Nhân dân thành phố gia hạn thêm sáu tháng (đến 1/8/2010 hết thời gian gia hạn), Sở đã thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất của các đơn vị này. Kết quả, có 21 dự án đã triển khai đầu tư xây dựng, một số dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng; sáu dự án (với tổng diện tích 12,7ha) vẫn chưa triển khai xây dựng, còn lại năm dự án chưa triển khai do thay đổi, điều chỉnh dự án và vướng mắc giải phóng mặt bằng…
Nguồn: ATPvietnam