Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Một tuần nhận được 2 thông báo giá thép tăng, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới

 Một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội cho biết, có tuần doanh nghiệp này nhận được 2 lần điều chỉnh tăng giá thép. Trước tình hình này, nhiều nhà thầu không dám ký hợp đồng mới, trong khi những hợp đồng cũ đã ký thì lỗ nặng.

Giá thép liên tục phi mã

Mới đây, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên ra thông báo tăng giá thép khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh lao đao.

Công ty này cho biết, trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, công ty quyết định tăng giá bán sản phẩm. Theo đó, giá thép cuộn xây dựng là 300.000 đồng/tấn, giá này chưa bao gồm VAT và áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam - cho hay, đợt điều chỉnh mới nhất này thì thép cuộn tăng 300.000 đồng/tấn, còn thép cây không tăng.

Giá thép vẫn tiếp tục tăng từng ngày và liên tục lập đỉnh mới khiến cho nhiều doanh nghiệp xây dựng lo lắng. Thậm chí, có doanh nghiệp còn cảm thấy "sốc" vì mới nhận thầu dự án và cho rằng giá thép đã lập đỉnh, không thể tăng thêm được nữa.

Ông Nguyễn Tùng - Ban Quản lý xây dựng Công ty AZ Thăng Long - cho Lao Động biết, thời gian này, giá thép tăng đột biến, khiến các doanh nghiệp xây dựng “méo mặt”. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá thép phi 6 Việt Mỹ phục vụ cho công trình xây thô chỉ 3,5 triệu đồng/m2 thì nay tăng lên 4 triệu đồng/m2.

“Giá thép tăng cao khiến doanh nghiệp xây dựng như chúng tôi rất “ngại” nhập thép ở thời điểm này. Tuy nhiên, khi làm công trình, chúng tôi và chủ đầu tư phải có cam kết về tiến độ, nếu chậm tiến độ thì bị phạt nặng, cho nên vẫn phải ngậm ngùi nhập thép” - ông Tùng cho hay.


Toàn bộ các loại thép trên thị trường đều tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua. Nguồn: VSA

Một doanh nghiệp xây dựng khác cho hay, có tuần doanh nghiệp này nhận được 2 lần điều chỉnh tăng giá thép. Trước tình hình này, nhiều nhà thầu không dám ký hợp đồng mới. Trong khi những hợp đồng cũ đã ký thì lỗ nặng.

Thực tế, cực chẳng đã nhiều doanh nghiệp vẫn phải bỏ thầu, bởi nếu cố "ôm" công trình trong thời điểm giá thép phi mã như vậy thì chỉ có lỗ, thậm chí lâm cảnh vào phá sản.

Theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định, trong tổng giá trị công trình, chi phí vật liệu đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, theo hiệp hội, đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng với giá trị khoảng 10 tỉ đồng thì có thể bù lỗ lên tới vài trăm triệu đồng.

Còn đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại vật liệu tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.

"Làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường" - đại diện Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Nam Định nói.

Đề xuất hình thành Quỹ bình ổn giá thép trong tương lai

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam - cho rằng, nếu giá thép cứ tăng đến hết quý III/2021 như dự báo, không chỉ tỉ suất lợi nhuận thấp, nhiều dự án xây dựng sẽ đối mặt nguy cơ vỡ trận, công ty xây dựng sẽ đóng cửa, phá sản, nhiều công trình sẽ đình trệ.

Trong buổi làm việc với các doanh nghiệp ngành thép, Hiệp hội thép Việt Nam ngày 27.5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có nhiều ý kiến về nhiều giải pháp để bình ổn về thị trường thép.

Buổi làm việc cũng đã có đề xuất về việc cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.

Theo ý kiến đề xuất, từng bước hình thành quỹ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của các doanh nghiệp trong ngành thép để nghiên cứu đầu tư vào các phòng thí nghiệm, sản xuất ra những mặt hàng thép đặc biệt, đáp ứng được nguyên liệu đầu vào của các ngành công nghiệp chế tạo khác.

Nguồn tin: Lao động

ĐỌC THÊM