Ngày 24/6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư(MPI) tổ chức cuộc họp giao ban về các vấn đề kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2010. Theo ước tính của MPI, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 6-6,1% trong đó, nông lâm thủy sản tăng 2,7-3,2%; công nghiệp và xây dựng tăng 6-6,7%, dịch vụ tăng 6,8-7,2%.
“Kinh tế tiếp tục phục hồi khá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Tất cả các ngành, lĩnh vực đều đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước”, đó là nhận định chung của MPI.
Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 366,8 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước chỉ số này chỉ là 4%). Trong đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 12,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 17,5%.
Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Quốc dân - MPI đưa ra nhận xét, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng ngày càng cao và có tốc độ tăng cao, khu vực ngoài nhà nước có mức tăng cao hơn kế hoạch toàn ngành nhưng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng chung ngành công nghiệp, trong khi đó kinh tế nhà nước có tốc độ tăng thấp hơn mức kế hoạch toàn ngành. Các sản phẩm có tốc độ tăng trưởng cao bao gồm cả năng lượng, các sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, vật liệu xây dựng và cơ khí ô tô. Giá các mặt hàng công nghiệp trong tháng 6 có xu hướng ổn định, trong đó, giá thép xây dựng đã giảm nhiều so với thời kỳ cao điểm vào hồi tháng 4.
Tình hình cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trong tháng này gặp nhiều khó khăn do một số nhà máy nhiệt điện mới đi vào sản xuất chưa ổn định, trong khi nước tại các hồ thủy điện mới bắt đầu phục hồi chưa đáp ứng được nhu cầu tăng cao do kinh tế phục hồi và thời tiết năng nóng làm nhu cầu sinh hoạt tăng cao.
Sản xuất nông nghiệp và thủy sản 6 tháng qua gặp nhiều khó khăn nhờ nỗ lực lớn mà thị trường xuất khẩu cũng như hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đạt khá so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu được cải thiện góp phần vào sự tăng trưởng xuất khẩu của 6 tháng đầu năm ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Tính đến tháng 6 này, ước tính có 9 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 1 tỷ USD là thủy sản, gạo, dầu thô, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép, máy móc thiết bị phụ tùng, điện tử và máy tính, đá quý, kim loại quý và sản phẩm. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ, ASEAN, EU, Nhật Bản, Trung Quốc.
Trong 6 tháng qua, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 38,9 tỷ USD, tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước nhập siêu tháng 6 là 1,2 tỷ USD, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu. Nếu không tính xuất khẩu vàng, nhập siêu tháng 6 là 1,5 tỷ USD. Còn tính chung 6 tháng, nhập siêu đạt giá trị khoảng 6,7 tỷ USD, gần bằng 21% kim ngạch nhập khẩu. Có 5 đối tác mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất trong nửa năm qua, đáng lưu ý đứng đầu trong danh sách này là Trung Quốc, tiếp đến Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Xingapo.
Đầu tư phát triển tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng qua ước đạt 337 nghìn tỷ đồng, bằng 43,5% GDP. Số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trong 6 tháng qua được 36,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký kinh doanh.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhấn mạnh một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới, tập trung vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xuất nhập khẩu. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Hà cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản thuộc các nguồn vốn nhà nước; các giải pháp nhằm tiếp tục thu hút và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn FDI và ODA. Đặc biệt là, các giải pháp đẩy nhanh thực hiện các dự án quan trọng cấp bách, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án có giá trị xuất khẩu lớn, những dự án giải quyết nhiều việc làm..
tamnhin