Hoạt động mua bán, sáp nhập DN (M&A) ở VN không mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm chung, dù tiềm lực tài chính của DN suy giảm, nhưng hoạt động này vẫn được xem như một trong những giải pháp để củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngày 11.6, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Báo Đầu Tư đã tổ chức một hội thảo quốc tế chuyên nghiệp đầu tiên tại VN về lĩnh vực này.
Tài chính, NH "đắt khách"
Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Bích Đạt, số liệu nghiên cứu năm 2007, VN có hơn 90 vụ sáp nhập và mua lại với giá trị giao dịch hơn 1,7 tỉ USD. Năm 2008 có gần 40 vụ sáp nhập và mua lại trị giá gần 350 triệu USD. Theo các chuyên gia kinh tế, trong 5 đến 10 năm nữa, sẽ có từ 30 đến 50% DN tại VN sáp nhập hoặc bị sáp nhập với đối tác khác. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với hoạt động M&A tại VN.
Theo các chuyên gia, sở dĩ có sự gia tăng rất nhanh các thương vụ M&A những năm qua là do tác động từ hai yếu tố: Nhu cầu mua tăng cao trong những năm 2006 - 2007. Vào thời điểm này, VN đang là điểm nóng về đầu tư. Rất nhiều NĐT trên toàn thế giới quan tâm đặc biệt tới thị trường VN và quyết định đầu tư vào VN.
Bên cạnh việc đầu tư thành lập mới DN thì việc góp vốn, mua cổ phần, sáp nhập, mua lại DN đang hoạt động cũng được coi là một phương thức nhanh chóng, hiệu quả để xâm nhập thị trường. Trái lại, trong thời kỳ kinh tế suy yếu, nhu cầu bán lại tăng cao. Điều này cộng với việc mở cửa thị trường mạnh mẽ, mức độ cạnh tranh khốc liệt thì rất nhiều DN ở VN đã không thể đứng vững, hoặc chủ động tìm kiếm đối tác để sáp nhập hoặc bị thôn tính thông qua mua lại.
Thống kê của các nhà nghiên cứu cũng như các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn về M&A cho thấy trong thời gian qua, hoạt động M&A tại VN diễn ra mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực tài chính, NH gồm: NH, CK, bảo hiểm và một số lĩnh vực có liên quan. Điển hình có thể kể đến một số thương vụ lớn như Daiichi Nhật Bản mua lại toàn bộ Cty bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh CMG, vụ AZN đầu tư vào NH Sacombank và CTCK SSI; HSBC - Techcombank...
Thời điểm 2008, trong lĩnh vực CK cũng bùng lên làn sóng tìm kiếm đối tác nước ngoài của các CTCK. Các CTCK lúc đó không chỉ chịu sức ép về vốn theo quy định mà rất nhiều CTCK gặp phải khó khăn khi thị trường suy giảm, khách hàng ít trong khi số lượng Cty cung cấp dịch vụ lại quá nhiều.
Một số thương vụ thu hút chú ý lúc đó do bán tới 49% (mức tối đa) như Morgan Standley mua cổ phần của CTCK Hướng Việt (sau này đổi tên thành CTCK Morgan Stanley Hướng Việt), Golden Bridge mua cổ phần của CTCK Nhấp & Gọi, Ngân hàng RHB (Malaysia) mua cổ phần CTCK Việt Nam...
Lĩnh vực NH tài chính trở thành tâm điểm của M&A trong thời gian qua tại VN xuất phát từ một số lý do: Thứ nhất, tiềm năng đối với việc phát triển tài chính, NH đang tăng cao. VN là nước đang phát triển, kinh tế đang bước vào thời kỳ biến động mạnh mẽ, dân số đông cho nên nhu cầu về vốn và dịch vụ liên quan đến vốn chắc chắn sẽ tăng cao. Theo số liệu thống kê của PricewaterhouseCoopers, lĩnh vực NH tại VN hiện tăng trưởng 20% mỗi năm kể từ đầu thập kỷ và hiện tại tổng giá trị tài sản đạt khoảng 80 tỉ USD.
Thứ hai, hiện tại, các cam kết gia nhập WTO đang được thực thi, theo đó, NĐTNN muốn gia nhập thị trường tài chính của VN phải chịu rất nhiều hạn chế nên NĐTNN không có sự lựa chọn nào hiệu quả hơn là tìm đến bài toán M&A. Thứ ba, bối cảnh khủng hoảng lại là thời cơ tốt nhất cho các NĐTNN thôn tính các Cty đang chật vật khó khăn.
Cần quy định rõ ràng hơn
Áp lực đào thải DN yếu kém trong bối cảnh khủng hoảng càng lớn thì hoạt động M&A được dự báo sẽ càng nở rộ. M&A không chỉ là một hoạt động giúp các DN yếu kém củng cố lại nguồn lực, mà cũng là một kênh đầu tư quan trọng giúp các NĐTNN thâm nhập vào những thị trường mới, nhất là khi phải đối mặt với sự khác lạ trong văn hóa kinh doanh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động M&A tại VN vẫn còn chồng chéo và chưa thực sự rõ ràng.
Hiện VN đã trở thành thành viên chính thức của WTO, thông qua các cam kết về mở cửa thị trường NĐTNN sẽ đẩy mạnh đầu tư vào VN, trong đó, M&A là một kênh đầu tư quan trọng. Tuy nhiên, việc áp dụng các cam kết WTO còn nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, hiện khái niệm NĐTNN trong quy định của pháp luật chưa có khái niệm chính thức. Thủ tục góp vốn, mua cổ phần, mặc dù cả Luật DN và Luật Đầu tư đều có quy định nhưng chưa thống nhất với nhau, đặc biệt là chưa có quy định rõ ràng về thủ tục góp vốn, mua cổ phần trong trường hợp mua dưới 49% và mua trên 49%.
Về quản lý cạnh tranh, luật quy định "cấm các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên". Tuy nhiên, trong thực tế lại chưa có cơ chế phù hợp để xác định những giao dịch vi phạm tỉ lệ này.
Theo các chuyên gia, những vướng mắc trên sẽ càng trở nên phức tạp khi VN mở cửa, các tập đoàn lớn về phân phối, logistic, tài chính, NH trên thế giới sẵn sàng thôn tính các DN VN thông qua các giao dịch M&A.
Lao động