Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mua đón giá, mất tiền tỷ

Mua đón đà tăng giá thế giới, các nhà nhập khẩu phân bón đang phải gánh lỗ hàng tỷ đồng mỗi ngày. Không riêng phân bón, doanh nghiệp các ngành nhựa, thép… vẫn tiếp tục lên kế hoạch nhập nguyên liệu, hàng hóa vượt quá nhu cầu thị trường.

 

Cuối tháng 4, các nhà nhập khẩu phân bón đua nhau ký hợp đồng mua hàng khi thấy giá thế giới trên đà đi lên. Nhưng bước sang tháng 5, giá thế giới đảo chiều. Phân urê từ 320 USD giảm còn dưới 300 USD một tấn, DAP từ 380 USD xuống 350 - 360 USD.

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, nhu cầu phân urê vụ hè thu năm nay khoảng 400.000 - 500.000 tấn, chỉ cần nhập thêm 200.000 tấn urê và  khoảng 200.000 tấn DAP là đủ. Thế nhưng đến nay, các doanh nghiệp đã nhập về gần 600.000 tấn urê và DAP. Nếu tính cả lượng phân bón còn tồn trong nước thì lượng urê vượt 30 - 40% so với nhu cầu.

Doanh nghiệp nhập khẩu nên thận trọng với diễn biến giá cả trên thị trường thế giới.
Ảnh: Đức Long.

Việc nhập tràn lan, không có kế hoạch của các doanh nghiệp là nguyên nhân khiến cung vượt cầu, phân bón rớt giá ngay trong chính vụ. Do cách đánh giá, dự báo thị trường yếu nên nhiều doanh nghiệp đang “sống dở chết dở” vì số lỗ lên tới hàng chục tỷ đồng. Theo tính toán của ông Lê Quốc Phong, Giám đốc Công ty phân bón Bình Điền, nếu trung bình mỗi đơn vị nhập 50.000 - 60.000 tấn phân bón thì chi phí kho bãi, cập cảng và lãi suất ngân hàng phải trả từ đầu tháng 5 đến nay khoảng 20 - 30 tỷ đồng.

Vẫn bất chấp rủi ro

Không riêng các nhà nhập khẩu phân bón, từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều doanh nghiệp dù nhu cầu chưa thực sự cần vẫn quyết định ký nhanh các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, hàng hóa vì sợ giá thế giới tăng.

Theo ông Trần Hữu Chuyền, Tổng giám đốc Công ty CP nhựa - xây dựng Đồng Nai, do lo ngại giá nguyên liệu tăng nên doanh nghiệp này vừa nhập về 400 - 500 tấn bột nhựa, chiếm 50% nguyên liệu nhập về từ đầu năm đến nay.

Ông Trần Thu, Giám đốc Công ty kim khí Hoàng Phong, Hà Nội, thừa nhận, tiêu thụ thép tháng 5 đã chững lại nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang mua nguyên liệu lớn hơn nhu cầu sản xuất thực tế. Vì theo quy luật, từ tháng 5 trở đi, giá nguyên liệu thế giới tăng dần về cuối năm.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia thị trường giá cả, cho biết: “Do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính nên diễn biến giá cả trên thị trường thế giới năm nay có thể sẽ không theo quy luật như các năm trước. Doanh nghiệp nên thận trọng theo dõi diễn biến giá thế giới, nhu cầu cần đến đâu, nhập đến đó. Nếu nhập nguyên liệu ào ào mà  không tính được nhu cầu thực tế thì không riêng doanh nghiệp bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến cả ngành sản xuất”.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà nhập khẩu trong nước lao đao với kiểu dự báo sai khi mua “đón giá” thế giới. Năm ngoái, ngành thép, hóa chất, bột nhựa cũng bị “ngắc ngoải” vì mua giá cao, bán giá thấp. 

(Đất Việt) 

ĐỌC THÊM