Sau khi có kết quả kinh doanh ấn tượng 9 tháng đầu năm, ngành thép đang đối mặt với khó khăn trong những cuối năm khi tiêu thụ giảm.
Bắt đầu dư cung
Số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, tổng lượng thép tiêu thụ trong nước đạt gần 12,922 triệu tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2016. Còn theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, lượng thép xuất khẩu 9 tháng đạt 3,3 triệu tấn, trị giá 2,1 tỷ USD, tăng 31,6% về lượng và tăng 51,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, giá thép trong 9 tháng đầu năm nay cũng tăng cao theo xu hướng thế giới, giúp nhiều doanh nghiệp ngành thép có kết quả kinh doanh ấn tượng, nhất là các doanh nghiệp lớn. Theo VSA, tính trung bình, trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong ngành đã tăng trưởng doanh thu 14,34% và lợi nhuận 81,65%, giúp giá cổ phiếu chung tăng trưởng 91%.
Tuy nhiên, bước vào những tháng cuối năm, cùng với việc bất thuận của thời tiết, ảnh hưởng tới thị trường xây dựng và sự cạnh tranh của thép nhập khẩu, khó khăn bắt đầu xuất hiện với các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Lê Tiến Phát, Giám đốc Công ty Thép Tân Bình tại TP.HCM tỏ ra lo lắng khi 3 tháng nay bán hàng rất chậm. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Phát đã chạy ngược chạy xuôi, nhưng vì là doanh nghiệp nhỏ, nên rất khó khăn.
Không chỉ với các doanh nghiệp nhỏ như Thép Tân Bình, một số doanh nghiệp lớn khác cũng bắt đầu gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Theo VSA, lý do khiến tiêu thụ thép của Việt Nam chững lại chủ yếu do thị trường xây dựng bị ảnh hưởng bởi thời tiết (mưa nhiều), cùng với việc giá thép của Việt Nam vẫn cao hơn so với thép Trung Quốc nhập khẩu cùng chủng loại.
Theo báo cáo của VSA, trong tháng 10/2017, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 758.412 tấn, giảm 9,35% so với tháng trước, nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, tiêu thụ chỉ đạt 559.847 tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 24% so với tháng trước.
“Từ cuối tháng 9, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, ảnh hưởng tới thị trường xây dựng, nên các nhà phân phối gần như ít nhập hàng, chủ yếu đẩy mạnh tiêu thụ nốt hàng tồn kho. Để giữ thị phần, các doanh nghiệp sản xuất thép đã phải đồng loạt giảm giá bán. Chỉ trong tháng 10, thị trường thép Việt Nam đã có 3 lần giảm giá gồm ngày 11/10, 18/10 và 23/10 với mức giảm gộp 500 - 700 đồng/kg. Trong đó, phía Nam giảm từ 400 - 600 đồng/kg”, ông Sưa nói.
Mối lo cho ngành thép
Ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinbankSc) cho biết, ngành thép Việt Nam tuy có quy mô không lớn, nhưng vẫn có lợi thế cạnh tranh riêng, đặc biệt là chi phí sản xuất rất cạnh tranh so với các nước khác. Thêm vào đó, dư địa phát triển ngành thép tại Việt Nam vẫn còn rất lớn, do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh, thành phố lớn cũng như tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh tại các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, ông Đức đưa ra một mối lo với ngành thép Việt Nam, đó là các số liệu đều cho thấy, thị trường thép Việt Nam thừa năng lực sản xuất, song lại nhập khẩu rất lớn. Nguyên nhân là do chuỗi giá trị của ngành thép nội địa chưa được hoàn thiện, nên mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (một số sản phẩm như tôn mạ màu, ống thép… còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác), nhưng vẫn phải nhập rất nhiều sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo, thép hợp kim…
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa cho các vấn đề mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành thông qua cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất.
“Doanh nghiệp ngành thép cần tăng cường đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, tối ưu hóa quy mô sản xuất với quy trình khép kín. Từ đó, doanh nghiệp từng bước giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá, kể cả so với sản phẩm nhập khẩu”, ông Sưa nói.
Nguồn tin: ĐTCK