Chấp nhận mua tôn giá rẻ từ những nhà máy cán tôn thép tư nhân mà chất lượng rất mù mờ, người đầu tiên phải gánh chịu thiệt hại không ai khác, đó là khách hàng.
Tôn nhái ngày càng tinh vi
Anh Nguyễn Văn Bảo, giám sát kỹ thuật của một công ty chuyên xây dựng các công trình dân dụng, có trụ sở ở TP Hải Phòng, cho biết: Tôn giá rẻ được làm ngày càng tinh vi, từ nhãn mác, màu sơn, số lớp sóng... đều giống hệt tôn thương hiệu Việt. Nhưng điểm không thể làm giả là tôn nhái bao giờ cũng mỏng hơn tôn chính hãng vài dem.
Anh Thắng cho biết thêm, ngoài nguyên nhân giá rẻ, còn nguyên nhân khác góp phần giúp những nhà máy cán tôn thép kể trên sống khỏe như hiện nay, là do các chủ công trình, người dân có nhu cầu lợp mái tôn nhưng lại không trực tiếp đi mua tôn mà thường dùng hình thức khoán gọn toàn bộ các công đoạn lợp mái tôn cho chủ thầu. Đây cũng là khởi nguồn cho việc các đơn vị thi công bắt tay cùng cơ sở kinh doanh tôn, đưa tôn giá rẻ chất lượng mù mờ vào thi công nhằm hưởng lợi bất chính.
Trong khi đó, anh Trần Văn Quốc (40 tuổi, trú ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), một chủ thầu xây dựng các công trình dân sinh có tiếng ở vùng quê này lại khẳng định với chúng tôi: “Bao giờ đi mua tôn để thi công công trình, bọn mình cũng phải đem theo nước tẩy aceton. Trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ về chất lượng, thì sẽ dùng nước tẩy aceton để thử độ bền của dòng chữ được in phun trên mặt sau tấm tôn. Nếu là tôn nhập lậu từ Trung Quốc về, dòng chữ được in phun trên bề mặt tôn sẽ nhòe và mờ dần. Trường hợp là tôn thương hiệu Việt thì rất khó để làm bay màu. Chưa hết, tôn giá rẻ thường mỏng, thiếu dem, không đủ trọng lượng”, anh Quốc tiết lộ.
Tôn giá rẻ, chất lượng rởm, khách hàng bị “móc túi”
Quá trình thực tế tại TP Đà Nẵng, Hải Phòng, chúng tôi có mua một số mẫu tôn tại Nhà máy tôn B. B ở Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng), Nhà máy tôn M.V có địa chỉ ở thôn Kiều Đông (xã Hồng Thái, H.An Dương, TP Hải Phòng), Nhà máy tôn H.H ở Nguyễn Văn Linh (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), đem đi kiểm định chất lượng tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng). Mục đích của việc kiểm định là nhằm làm rõ chất lượng tôn giá rẻ như đã nêu trong bài viết. Quá trình kiểm định với loại tôn DVS 0,27mm x 1.200mm x 4m của Nhà máy tôn B. B, thì độ dày chính xác tôn chỉ là 0,224mm.
Như vậy độ dày của loại tôn DVS này đã bị Nhà máy tôn B.B đôn hơn 17%. Theo đó, với việc đôn dem 0,046mm (cỡ hơn 18% độ dày tấm tôn), thì với mỗi mét vuông tôn có giá bán ra là 55.000 đồng, Nhà máy tôn B.B đã kiếm lời bất chính từ khách hàng gần 11.000 đồng. Trong khi đó, kiểm tra chất lượng lớp sơn phủ trên tôn bằng dung dịch axit lại cho kết quả “Khả năng chịu được môi trường axit thấp. Khi sơn phản ứng với dung dịch HCl thì dễ bị phai màu”. Còn kiểm tra chất lượng lớp sơn phủ trên tôn bằng dung dịch Bazơ lại cho kết quả “Khả năng sơn phủ chịu được môi trường kiềm thấp. Khi sơn phủ này phản ứng với dung dịch NaOH 10% dễ bị phai màu”.
Với quá trình kiểm định loại tôn 0,4mm x 1.200mm x 1.000mm của Nhà máy tôn H.H, trên thực tế kiểm định thì độ dày tôn chỉ đo được 0,354mm, như vậy tức là ăn bớt 11,5% độ dày. Còn lớp phủ sơn cũng dễ bị phồng rộp khi cho phản ứng với dung dịch hóa chất HCl. Được biết, với loại tôn bị đôn 0,046 mm, trong khi giá bán một mét vuông tôn là 59.000 đồng, thì Nhà máy tôn H.H đã “móc túi” khách hàng gần 7.000 đồng/m2 tôn.
Xử lý chưa thật quyết liệt
Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, tôn Trung Quốc nhập về chủ yếu là khai man chiều dày (lẽ ra chỉ dày 0,2 mm lại khai man lên thành 0,42 mm chẳng hạn) và người mua khó nhận ra. Hay chất lượng mạ của tôn Trung Quốc không đảm bảo, chỉ cần vài lần uốn là bị tróc ra ngay. Hiện chúng tôi có nhiều bằng chứng về những cơ sở nhập thiết bị in, nhập tôn cuộn Trung Quốc, in mác nhà sản xuất trong nước. Những việc làm gian lận đó là nghiêm trọng.
Ông Nguyễn Văn Sưa cho biết, với những bằng chứng trên, hoàn toàn có thể chống được tôn Trung Quốc gian lận, nếu cơ quan quản lý thị trường hay cơ quan quản lý chất lượng của Bộ KH-CN tập trung xử lý. Quan trọng nhất là phải có chế tài mạnh để răn đe. Tuy nhiên, theo lời của ông Sưa, việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng vẫn chưa thật quyết liệt, đồng bộ nên kết quả xử lý cũng chưa cao.
Nguồn tin: ANTĐ