Tám tháng năm 2012, ngành thép đạt mức tiêu thụ 2,8 triệu tấn, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 10%.
Theo lẽ thường, hiện nay đang là thời điểm mùa xây dựng cuối năm, nhu cầu về vật liệu xây dựng trong đó có sắt thép được cho là có sức tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên trên thực tế điều này đã và đang không diễn ra đúng theo quy luật.
Sản xuất và tiêu thụ âm 10% so với cùng kỳ
Đánh giá về tình hình thị trường, tiêu thụ và sản xuất thép thép 9 tháng năm 2012, ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt nam (VSA) cho biết, trong 9 tháng qua, sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2011 khoảng 10%.
Cụ thể, trong tháng 1/2012, ngành thép tiêu thụ được khoảng 233.000 tấn; tháng 2: 389.000 tấn, tháng 3: 521.000 tấn, tháng 4: 291.000 tấn, tháng 5: 352.000 tấn, tháng 6: 297.000 tấn, tháng 7: 351.000 tấn, tháng 8: 356.000 tấn và khả năng tháng 9 cũng chỉ tiêu thụ dự kiến khoảng 360 - 370.000 tấn.
Thép cuộn không gỉ ít được doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất. |
Trong khi đó, thép nước ngoài tiếp tục được nhập vào ngày càng tăng, đặc biệt là thép Trung Quốc tăng rất mạnh so với năm 2011. Theo số liệu thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong 7 tháng được VSA thu thập của Tổng cục Hải Quan, thép cán nóng dạng cuộn của Trung Quốc tăng 179% so với 7 tháng năm ngoái, cán nóng dạng tấm riêng nhập khẩu của Trung Quốc tăng 199%; thép mạ kẽm khổ hẹp tăng 131%; thép xây dựng dạng cuộn (phi 6, phi 8) tăng 557%, thép xây dựng dạng thanh tăng 123% và thép hình của Trung Quốc tăng tới kỷ lục 1.612%.
Việc đình đốn trong sản xuất cũng như tiêu thụ đã dẫn tới lượng tồn kho rất lớn. Tính đến 30/6, lượng tồn kho của ngành là 360.000 tấn, đến cuối tháng 7 là 330.000 tấn, tháng 8 là 315.000 tấn và cuối tháng 9 khả năng tồn kho khoảng 320.000 tấn.
Lượng thép tồn kho như vậy là ở mức cao, tuy nhiên ông Nguyễn Tiến Nghi cho rằng, con số này còn có khả năng tăng cao hơn nữa nếu như các doanh nghiệp sản xuất thép không có những biện pháp kiềm chế, tiết giảm sản xuất.
Đầu tư tràn lan phá vỡ quy hoạnh
Thực trạng cung cầu của ngành thép những tháng đầu năm 2012 có thể được ví như một bức tranh ảm đạm. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu đã đề ra tăng trưởng ngành thép từ 3%-4% trong năm 2012 so với năm 2011.
Có thể thấy, thực trạng phá vỡ quy hoạch ngành thép là nguyên nhân sâu xa dẫn tới khó khăn hiện nay. Thực tế trong một thời gian dài, các doanh nghiệp thép đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất với công suất lớn một cách ồ ạt, không tìm hiểu kỹ nhu cầu thị trường.
Theo VSA, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, tại nhiều địa phương, tình trạng đầu tư tràn lan các nhà máy sản xuất thép đã khiến cho tốc độ sản xuất thép xây dựng phát triển nhanh đột biến, đẩy ngành thép vào tình trạng dư thừa công suất, ế ẩm sản phẩm.
Ông Nguyễn Tiến Nghi cho hay, hiện nay, công suất lắp đặt (kể cả nhà máy đang sản xuất và nhà máy đang xây dựng) đã là trên 11 triệu tấn. Điều này dẫn tới việc thép xây dựng trên thị trường cung luôn lớn hơn cầu, cạnh tranh quyết liệt.
Bên cạnh tình hình sản xuất và tiêu thụ đình đốn của ngành thép là vậy, ở trong nước, giá xăng dầu điện, than… trong thời gian qua liên tục tăng là những khó khăn chồng chất cho các doanh nghiệp sản xuất thép, nhiều doanh nghiệp lỗ nặng, có nguy cơ phá sản.
“Giá điện tăng, chi phí đầu vào tăng nhưng các doanh nghiệp không thể tăng giá bán vì sức mua hiện nay gần như không có. Chính vì vậy doanh nghiệp sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa do không biết lấy gì để bù đắp” – Ông Nguyễn Tiến Nghi chia sẻ.
Kích thích đầu ra để đẩy mạnh sản xuất
Đứng trước thực trạng khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp của VSA đang cùng nhau căn cứ trên cơ sở của thị trường để sản xuất phù hợp, không tăng cường sản xuất tránh gây căng thẳng ứ đọng, tồn kho.
Tiết giảm chi phí thông qua những tiến bộ kỹ thuật mới, giảm chi phí gián tiếp, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh cũng là biện pháp cần nghiên cứu và thực thi. Bên cạnh đó, việc xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm thép, đẩy mạnh xuất khẩu làm giảm sức ép trong nước cũng được xem là giải pháp chính hiện nay.
“Về lâu dài, Chính phủ, Bộ Công thương không nên tiếp tục cấp phép đầu tư sản xuất những sản phẩm thép trong nước đang dư thừa công suất, cung đang lớn hơn cầu. Nhà nước cũng cần có một số chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích đầu ra cho ngành thép. Cụ thể như thuế VAT hiện nay đang là 10% đề nghị giảm xuống 5% để khuyến khích người tiêu dùng” – Ông Nguyễn Tiến Nghi đề xuất.
Ông Nguyễn Tiến Nghi cũng cho rằng, cần đề nghị khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như các công trình giao thông công cộng… Nhà nước nên có chính sách khuyến khích sử dụng sắt thép, xi măng trong nước để kích cầu sản xuất, tạo việc làm.
“Các ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thép có thể tiếp cận được nguồn vốn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra chống gian lận thương mại, nghiên cứu áp dụng những biện pháp tự vệ cần thiết để hạn chế việc nhập khẩu các loại thép trong nước đang tồn dư” – Ông Nghi kiến nghị
Nguồn tin: VOV