Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mười sự kiện kinh tế thế giới nổi bật năm 2010

 

Năm 2010 quả là một năm đầy biến động, nhiều thiên tai và đầy rẫy nguy cơ. 
 

 

 

1. Khủng hoảng nợ công lây lan ở châu Âu

 

 
Tháng 4/2010, các tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch Rating đã hạ bậc trái phiếu chính phủ Hy Lạp xuống các mức rủi ro cao, đồng thời cảnh báo các nhà đầu tư có thể mất 30-50% giá trị các khoản đầu tư trong trường hợp Hy Lạp mất khả năng thanh toán. Liên minh châu Âu (EU) và IMF đã nhất trí dành cho Hy Lạp gói cứu trợ 110 tỷ euro trong thời hạn 3 năm, đồng thời kích hoạt Quỹ bình ổn Eurozone trị giá 750 tỷ euro, nhằm ngăn cuộc trạng khủng hoảng nợ Hy Lạp lây lan sang các nước khác. Sáu tháng sau đó, khủng hoảng nợ Ireland nổ ra với nguy cơ xảy ra hiệu ứng domino trong Khu vực sử dụng đồng Euro. Mặc dù Ireland được cung cấp một gói cứu trợ tài chính trị giá khoảng 85 tỷ euro, nhưng nguy cơ lây lan khủng hoảng nợ vẫn đe dọa châu Âu, đặc biệt Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

2. Sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico
 


Theo số liệu của Chính phủ Mỹ, kể từ khi xảy ra sự cố nổ giàn khoan Deeperwater Horizon ngày 20/4/2010  cho tới khi giếng bị rò rỉ được đóng lại vào ngày 15/7, ước có khoảng 4,9 triệu thùng dầu đã tràn ra Vịnh Mexico, gây thiệt hại nghiêm trọng về môi trường và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân sinh sống ven Vịnh Mexico. Hiện mới chỉ có khoảng 800 nghìn thùng dầu được dọn và hút vào các tàu chứa. Dầu tràn đã trở thành nguyên nhân gây ra thảm họa sinh thái lớn nhất của Mỹ và  BP có thể sẽ phải bồi thường tới 21,1 tỷ USD cho 4,9 triệu thùng đã bị đổ ra biển. 

Hãng BP đã phải bán một loạt tài sản để bồi thường và đã phải chi xấp xỉ 6,1 tỷ USD trong việc giải quyết sự cố tràn dầu trên Vịnh Mexico. 

3. Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới 


Quý 2/2010 đã đánh dấu một sự soán ngôi ngoạn mục khi Trung Quốc chính thức vượt qua Nhật Bản để giành ngôi vị nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Nhật Bản tính trên danh nghĩa (tức là chưa điều chỉnh theo những biến động về giá và thời vụ) trong quý 2/2010 đạt 1.288 tỷ USD so với GDP của Trung Quốc đạt 1.337 tỷ USD. Mặc dù trong 9 tháng đầu năm 2010, Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng các nhà phân tích kinh tế của Nhật Bản cho rằng với xu hướng tăng trưởng hiện nay, “chẳng sớm thì muộn”, Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản. Không những thế, nếu tính GDP theo sức mua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản từ lâu. 

Song hành với sức mạnh kinh tế, Trung Quốc cũng tiến tới việc quốc tế hóa đồng NDT: phép 20 tỉnh, thành thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng NDT; ký các thoả thuận trao đổi tiền tệ với Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia, Indonesia, Belarus, Argentina và thanh toán mậu dịch song phương với Nga bằng đồng rúp và đồng NDT. Không những thế, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 11/11tuyên bố nước này đã siết chặt các quy định xuất khẩu đất hiếm, khiến cho Nhật Bản, châu Âu bị điêu đứng và phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. 

4. Giá lương thực tăng vọt do biến đổi khí hậu

 


“Lũ lụt thế kỷ” ở Pakistan làm hàng triệu người bị biến thành vô gia cư, “hạn hán thế kỷ” và cháy rừng ảnh hưởng tới 1/5 diện tích trồng lúa mì của nước Nga… chính là hậu quả của biến đổi khí hậu  và đẩy giá lương thực thế giới leo cao. Giá lúa mì trên sàn giao dịch Chicago ngày 3/8 đã  tăng 42% và là mức tăng cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. 

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế (IFPRI), giá lương thực có thể tăng gấp đôi vào năm 2050. Trong giai đoạn từ 2010 - 2050, biến đổi khí hậu sẽ thu hẹp đáng kể diện tích đất nông nghiệp trên thế giới và giảm năng suất cây trồng, nhất là ở các nước đang phát triển. Điều đó sẽ kéo theo giá lương thực tăng vọt: giá ngô có thể tăng 42- 131%, giá gạo tăng 11- 78% và giá lúa mì tăng 17- 67%. Giá cả leo thang chóng mặt có thể đẩy số trẻ em suy dinh dưỡng tăng thêm 20% ( tương đương 25 triệu trẻ em).

5. Nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tiền tệ
 

    
Lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua, Nhật Bản can thiệp vào thị trường hối đoái và là lần can thiệp mạnh tay nhất từ trước tới nay. Ngày 15/9, Nhật Bản đã đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm giảm tỷ giá đồng yên/USD, với việc bán ra khoảng 1.000 tỷ yên (trị giá khoảng 20 tỷ USD). Ngày 5/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, bằng cách hạ lãi suất cơ bản từ mức 0,1% hiện nay xuống 0-0,1%. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 12/2008, BoJ hạ tỷ lệ lãi suất. Khoảng 1 tháng sau đó, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan quyết sách hàng đầu của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED), ngày 3/11 đã nhất trí bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này. Một loạt nước khác cũng tìm cách can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm hạ giá đồng nội tệ để gia tăng khả năng cạnh tranh và khuyến khích xuất khẩu.

6. Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc

    
Trong hai ngày 11 và 12/11, tại Seoul (Hàn Quốc) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) với chủ đề “Tăng trưởng đều khắp sau khủng hoảng”. Điểm thành công nhất của hội nghị thể hiện qua việc các nước đang phát triển giành được tiếng nói mạnh hơn trong thương lượng quốc tế. Các nhà lãnh đạo G20 ủng hộ việc chuyển 6% quyền bỏ phiếu trong Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từ các nước phát triển sang các nền kinh tế mới nổi, đồng thời cam kết sẽ hoàn tất việc chuyển giao này thông qua các cuộc họp hàng năm của nhóm. Một kết quả nổi bật nữa của hội nghị là đã đưa được các nội dung phát triển thành trọng tâm của chương trình nghị sự G20, đặc biệt thông qua được Thỏa thuận Seoul về phát triển vì tăng trưởng chung với kế hoạch hành động nhiều năm để cụ thể hóa và thực hiện thỏa thuận này. 

7. Hội nghị thượng đỉnh APEC 18 tại  Nhật Bản 
 

    
Hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 18 đã diễn ra ở Yokohama (từ ngày 13 đến 14/11/2010) với chủ đề “Đổi mới và hành động”. Hội nghị đã đề ra tầm nhìn cho hội nhập kinh tế khu vực trong bối cảnh có những thay đổi trong bức tranh kinh tế khu vực và toàn cầu. Trong tuyên bố chung “Tầm nhìn Yokohama”, lãnh đạo các nền kinh tế APEC đã nhất trí cho rằng Khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) cần được xây dựng trên cơ sở các thỏa thuận mang tính khu vực hiện có như ASEAN+3, ASEAN+6 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng với các thỏa thuận khu vực khác. 

8.  Hội nghị cấp cao ASEAN 17 tại Hà Nội
 

    
Từ 28 đến 30/10/2010, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17, với chủ đề “Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động” và những ưu tiên đã đề ra cho năm 2010, Hội nghị tập trung thảo luận về những nội dung chính như: xây dựng Cộng đồng ASEAN và triển khai Hiến chương ASEAN; quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác khu vực cũng như trong nỗ lực xây dựng cấu trúc khu vực mới; phát triển bền vững và ứng phó với những thách thức toàn cầu. Các nhà lãnh đạo quyết định chính thức mời Tổng thống Nga và Mỹ tham gia Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) bắt đầu từ năm 2011, sau khi tham khảo các nước ngoài ASEAN tham gia EAS.

9. Sự cố “bùn đỏ” Hungary


Cơn lũ bùn đỏ do vỡ hồ chứa chất thải của một nhà máy nhôm tại miền tây Hungary ngày 7/10 đã nhuộm đỏ một khu vực rộng đến 40 km2, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng ở thị trấn Ajka, làm chết ít nhất 4 người và hơn 100 người bị bỏng hóa chất và cay mắt. Nhà chức trách Hungary cho biết đến sáng 7.10, độ pH của dòng lũ bùn vào khoảng 9,3, cao hơn mức bình thường nhưng thấp hơn nồng độ ban đầu là 13. Loại bùn đỏ này, chứa nhiều chất vô cùng độc hại như chì, chrome và thạch tín, tấn công vào móng, tóc, da, mắt cũng như những cơ quan nội tạng như gan, thận, đồng thời có khả năng gây ung thư…Toàn bộ hệ sinh thái của sông Mascal, một con sông nhỏ trong vùng, đã bị bùn độc hủy diệt hoàn toàn. 

Hệ quả của thảm họa “bùn đỏ” Hungary là nghiêm trọng khôn lường và cũng là lời cảnh tỉnh “phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường” dành cho các nhà hoạch định chính sách. 

10. Giá vàng vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce 


Giá vàng đã lập kỷ lục mới 1.424,60 USD/ounce trên thị trường kim loại quý Luân Đôn trong phiên giao dịch ngày 9/11 sau khi vượt ngưỡng 1.400 USD/ounce hôm 8/11. Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng gần 30%. Đặc biệt, giá vàng đã tăng tới 8% kể từ khi FED đưa ra kế hoạch in thêm tiền mua 600 tỷ USD trái phiếu để vực dậy nền kinh tế Mỹ.

Nguồn: Tamnhin.net

ĐỌC THÊM