Các hiệp định thương mại quốc tế là cơ hội cho DN ngành thép vươn ra biển lớn, nhưng cũng ẩn chứa không ít những rủi ro trên chính sân nhà của mình. Để có thể tồn tại, các DN trong ngành cần tận dụng tối đa các cơ hội có được trong nền kinh tế hội nhập, nhưng cũng phải chuẩn bị những giải pháp để hạn chế rủi ro. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN NGỌC ANH (ảnh),Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), để làm rõ hơn về các vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông, những biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) hiện có liệu đã đủ mạnh để bảo vệ các DN thép trong nước hay chưa?
Ông NGUYỄN NGỌC ANH: - Trước tiên chúng ta cần phải làm rõ là các biện pháp PVTM sẽ bảo vệ toàn ngành thép hay một số DN. Nếu PVTM bảo vệ một số DN này nhưng lại ảnh hưởng nhiều DN khác dẫn đến ảnh hưởng toàn ngành thì có tốt hay không? PVTM là một vấn đề phức tạp và rộng, chúng ta hay nghĩ thép từ Trung Quốc có giá rẻ, nhưng hiện nay thậm chí thép từ Nga hay Ukraine nhập về có khi còn rẻ hơn khoảng 10USD/tấn. Nói một cách dễ hiểu, nếu các biện pháp PVTM linh hoạt, hợp lý thì giá thép cũng ở mức phải chăng, có lợi cho người tiêu dùng và ngược lại nếu PVTM siết chặt thì giá cao hơn, lúc này người mua sẽ chịu thiệt. Quan điểm của tôi là cần chống lại việc giá thép tại một số quốc gia được nhà nước trợ giá, còn về vấn đề buôn bán, mối quan hệ người mua-người bán-thị trường sẽ giải quyết và cân đối.
Nhu cầu của thị trường là 15 tấn thép/năm, nếu nguồn cung cũng chỉ tương đương hoặc thấp hơn có thể thuận lợi cho nhà sản xuất, hoặc phân phối. Nhưng nếu nguồn cung khoảng 16-17 triệu tấn/năm, theo tôi thị trường sẽ được hưởng lợi nhiều hơn mặc dù có thể dư cung. Bởi khi đó, các nhà sản xuất, phân phối sẽ phải bán ra với chất lượng sản phẩm, giá cả ở mức tốt nhất, chưa kể còn phải có thêm những biện pháp chăm sóc khách hàng, đảm bảo uy tín mới chinh phục được bên mua. Vì vậy, muốn ra sân chơi lớn, trước tiên các DN phải xem lại vị thế, năng lực của mình để từ đó có những chiến lược phù hợp.
- Vậy ông dự báo diện mạo của các DN thép trong thời gian tới sẽ như thế nào?
- Muốn kinh doanh thép trước tiên phải có hàng để bán. Nhưng kể cả anh có nhiều tiền, mua giá tốt, chưa chắc các nhà sản xuất hay các nhà phân phối lớn đã bán. Lý do đơn giản: phía nguồn cung đã nắm được lượng tiêu thụ của toàn xã hội ở một mức nhất định, nếu bán thêm có thể phá vỡ cả hệ thống thương mại, tiêu thụ đang có và làm ảnh hưởng đến toàn ngành. Và thậm chí, khi anh tìm đủ mọi cách để mua được hàng và đem bán chưa chắc người khác đã mua, vì ngoài xem xét thương hiệu của sản phẩm còn phải đánh giá cả nhà phân phối, năng lực ra sao, uy tín thế nào. Chẳng hạn, để cung cấp nguyên liệu thép cho các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản, các nhà phân phối, sản xuất cần một thời gian dài để chứng minh năng lực và khi đã trở thành đối tác của nhau thường sự gắn kết cũng rất lâu dài, trừ khi nhà phân phối hay sản xuất có vấn đề mới “chia tay” nhau.
Ngành thép Việt Nam cũng sẽ phát triển theo hướng này, nghĩa là gia nhập ngành sẽ trở nên khó khăn hơn trước rất nhiều. Khoảng chục năm trở về trước, có tiền muốn kinh doanh thép, và có thể lãi/lỗ nhờ thép, nhưng giờ có tiền chưa chắc tham gia được. Tất nhiên cơ hội sẽ nhiều lên nhưng DN có tận dụng được hay không lại là chuyện khác. Các DN đòi hỏi sự bình đẳng, nhưng trên thị trường vị thế của DN lớn sẽ khác với DN nhỏ. Chuyện các DN nhỏ hoặc kinh doanh theo kiểu manh mún sẽ bị đào thải là tất nhiên. Vấn đề ở đây là tạo được cho mình một lợi thế cạnh tranh độc đáo. Chẳng hạn, các DNNVV có thể sáp nhập, liên kết lại với nhau, tựa lưng nhau để cùng tạo ra một chuỗi phân phối, hay chuỗi giá trị nào đó. Tôi nghĩ nhiều DN hoàn toàn có đủ khả năng để làm điều này.
- Trên con đường hội nhập, SMC đã đạt được gì và đã phải trả giá những gì?
- Năm 2015, sản lượng tiêu thụ thép của SMC cán mốc 1 triệu tấn và hoàn thành sớm 1 năm so với chiến lược 2011-2016 nhưng lại thua lỗ. Ở đây có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Trong cơ cấu sản phẩm của SMC cung ứng ra thị trường, có gần 41% là các sản phẩm thép tấm, lá được gia công, chế biến (công nghiệp phụ trợ) cho các nhà sản xuất công nghiệp, trong đó có các đối tác ngoại. Có những thời điểm giá thép biến động thất thường, nhưng để đảm bảo tiến độ giao hàng, cũng như uy tín của SMC, chúng tôi vẫn nhập hàng. Có khi lúc giá chốt mua vào thì cao, nhưng tháng sau hàng về đến kho thì giá thấp và thua lỗ là chuyện đương nhiên. Làm gia công khác hẳn với việc chỉ làm thương mại thuần túy, giá xuống có thể nhanh chóng bán thấp hơn, bán cắt lỗ trong thời gian ngắn.
Nếu chúng tôi vẫn chỉ làm thương mại với mặt hàng thép xây dựng như năm 2008 trở về trước, những thời điểm thép xây dựng gặp khó, SMC cũng xuống dốc rất nhanh. Vì thế cuối năm 2015 chúng tôi đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất ống thép Sendo, một bước dấn thân sâu hơn vào hoạt động gia công chế biến. Nhờ có được mối quan hệ tốt với các nhà sản xuất, chúng tôi đã mua được nguồn nguyên vật liệu có chất lượng tốt, giá hợp lý, với thị trường đã được xây dựng từ lâu nay, Sendo cũng có nhiều thuận lợi trong việc tiêu thụ.
- Xin cảm ơn ông.
Nguồn tin: SGĐT