Tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu mắc áo thép từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá sơ bộ là 187,51%.
Mức thuế sơ bộ DOC xác định đối với các nhà sản xuất / xuất khẩu mắc áo thép từ Đài Loan là từ 69,98 - 125,43% và Việt Nam là 135,81 - 187,51%.
Trước đó, ngày 30/5/2012, DOC cũng đã công bố kết luận sơ bộ khẳng định có trợ cấp trong cuộc điều tra chống trợ cấp sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam, theo đó, DOC sơ bộ kết luận rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu của Việt Nam nhận được các khoản trợ cấp có thể đối kháng từ 11,03 - 21,25%
Trong vụ điều tra chống bán phá giá, một bị đơn bắt buộc của Việt Nam là Tập đoàn TJ chịu mức thuế chống bán phá giá sơ bộ là 135,81%. Bị đơn bắt buộc khác là Tổng Công ty Cổ phần xuất khẩu Đông Nam Á Hamico sẽ bị áp mức thuế suất toàn quốc theo mức thông tin sẵn có bất lợi là 187,51%. Ba nhà xuất khẩu khác đủ điều kiện hưởng mức thuế suất riêng rẽ ở mức 135,81%. Tất cả các nhà sản xuất / xuất khẩu khác từ Việt Nam chịu mức thuế chống bán phá giá sơ bộ là 187,51%.
Căn cứ phán quyết sơ bộ này, DOC sẽ hướng dẫn Cơ quan Hải quan và bảo vệ biên giới Mỹ yêu cầu ký quỹ bằng tiền mặt đối với các nhà nhập khẩu sản phẩm trên từ Việt Nam.
Sau khi ra phán quyết sơ bộ, DOC sẽ tiến hành thẩm tra tại chỗ (dự kiến vào giữa tháng 8/2012) để xác nhận lại thông tin đã được gửi trong các bản trả lời của bị đơn bắt buộc. Dự kiến DOC sẽ ban hành quyết định cuối cùng đối với Việt Nam vào tháng 12/2012.
Nếu DOC ban hành quyết định cuối cùng khẳng định sản phẩm trên bị bán phá giá vào Hoa Kỳ, và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng ra quyết định cuối cùng (dự kiến vào tháng 1/2013) khẳng định rằng mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam gây tổn hại hoặc đe dọa tổn hại cho ngành sản xuất nội địa của Mỹ, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá.