Ngày 8/3, bất chấp sự phản đối của nhiều doanh nghiệp và nghị sĩ, Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đánh giá tuyên bố của Tổng thống Trump là một sự "thiếu thông minh". Ảnh: AFP/TTXVN
Ngay sau động thái này của Washington, Liên minh châu Âu (EU) đã tiếp xúc với một số nước khác để tìm kiếm sự phối hợp nhằm đáp trả quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trumps về việc tăng thuế nhập khẩu lên các mặt hàng thép và nhôm. Hiện chỉ có Canada và Mexico được miễn trừ trong kế hoạch tăng thuế của Mỹ.
Theo nguồn tin châu Âu đăng trên trang mạng euractiv.fr, Ủy ban châu Âu (EC) đã có những cuộc tiếp xúc với một số nước cũng sẽ phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực vì quyết định của Tổng thống Mỹ như Brazil, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đánh giá tuyên bố của Tổng thống Mỹ Trump là một sự “thiếu thông minh” và EU cũng có thể buộc phải hành động tương tự. Ngoài ra, các nhà chức trách EU cũng tuyên bố sẵn sàng hành động đơn phương nếu cần thiết. Trên thực tế, EC dự kiến sẽ sớm thông qua một loạt biện pháp bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp với Mỹ.
Động thái đáp trả của EU dự kiến bao gồm các biện pháp trả đũa phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) để trừng phạt hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang thị trường châu Âu một cách tương xứng. Các biện pháp đáp trả cũng bao hàm việc bảo vệ thị trường châu Âu đồng thời tránh cho “Lục địa già” không rơi vào tình cảnh “ngập lụt” bởi tình trạng dư thừa sản lượng của ngành sản xuất thép.
EU đã chuẩn bị một danh sách các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ có khả năng phải chịu mức thuế 25% với giá trị khoảng 2,8 tỷ euro, tương ứng với thị phần của các sản phẩm thép và nhôm của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế mới của phía Mỹ.
Ông Jean-Claude Juncker tuyên bố danh sách trên bao gồm các nhãn hiệu nổi tiếng của Mỹ như Levi’s, xe máy Harley-Davidson và rượu mạnh Bourbon - những động lực kinh tế chủ chốt của Kentucky, bang của nhà của lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell. Danh sách trên cũng có thể được mở rộng đến các sản phẩm pho-mát nhập khẩu từ bang Wisconsin, bang của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.
Tóm lại, một phần ba các sắc thuế mà châu Âu dự định trả đũa Mỹ sẽ đánh lên các sản phẩm nông nghiệp và phần còn lại là áp dụng đối với các mặt hàng khác. Ngoài ra, các sản phẩm sữa và nước cam - những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Florida, bang then chốt trong các cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ cũng được nhắc tới như một mục tiêu tiềm năng.
Dự kiến, đại diện các nước thành viên châu Âu sẽ thảo luận về gói các biện pháp trả đũa vào tuần này nhân dịp cuộc họp của khối về chính sách thương mại. EU cho biết đã chuẩn bị các phương án để có thể kích hoạt các biện pháp đáp trả ngay khi Tổng thống Donald Trump thông qua tỷ lệ áp thuế của phía Mỹ.
Các nhà chức trách đảm bảo rằng EC đã chuẩn bị kỹ vì trên thực tế Tổng thống Mỹ đã đe dọa áp thuế lên mặt hàng thép từ mùa Xuân năm 2017. Phía châu Âu cũng khẳng định các biện pháp đáp trả có thể được điều chỉnh tùy thuộc vào quyết định cuối cùng của phía Mỹ. Sau đó, các biện pháp này sẽ phải được các nước thành viên và Nghị viện châu Âu thông qua.
Phát ngôn viên của EC, Margaritis Schinas tuyên bố nếu các biện pháp, mà chính quyền Mỹ thông qua, làm ảnh hưởng đến lợi ích của châu Âu, EU sẽ hành động một cách kiên quyết, tương xứng và hoàn toàn tuân theo các quy định của WTO.
Về phần mình, Đức đánh giá rằng Mỹ đã “đi sai đường” khi tự đặt mình ở vị trí quá cao và thực hiện chủ nghĩa bảo hộ sau thông báo mang tính đe dọa của Tổng thống nước này nhằm vào các nhà xuất khẩu ô tô của châu Âu.
Chiến tranh thương mại
Khi mà những hồi trống của một cuộc chiến tranh thương mại được gióng lên ngày càng dồn dập hơn, EC cũng đang cố gắng điều tiết các đề xuất để tình hình không vượt ngoài tầm kiểm soát khi phải đối mặt với một nhân vật khó đoán định như Tổng thống đương nhiệm của Mỹ. Phát ngôn viên EC cho biết châu Âu bác bỏ quan điểm cho rằng hai đối tác EU và Mỹ đang bước vào một cuộc chiến tranh thương mại.
Chủ tịch tập đoàn Eurasia, Ian Bremmer, cũng khẳng định rằng đó không phải là một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng quyết định của phía Mỹ là có thể đoán trước vì chủ nghĩa bảo hộ được coi là “con ngựa chiến” của ông Trump. Hành động của Tổng thống Trump cho thấy ông kiên quyết theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại và nhiều khi quyết định mà không cần dựa trên sự tư vấn của các phụ tá.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WTO đã kêu gọi các nước thành viên thận trọng cân nhắc trước khi có những bước đi có thể làm bùng phát một cuộc chiến thương mại và trả đũa lẫn nhau.
Phát biểu tại một cuộc họp với đại diện của các nước thành viên tại trụ sở ở Geneva (Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo cảnh báo nguy cơ gia tăng các rào cản thương mại trên toàn cầu, sau khi các nước lần lượt đưa ra những cảnh báo đáp trả kế hoạch tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu của Mỹ.
Ông nêu rõ: "Chúng ta không thể phớt lờ nguy cơ này và tôi kêu gọi tất cả các bên cân nhắc thận trọng tình hình hiện nay. Một khi chúng ta bắt đầu đi theo con đường này, sẽ rất khó khăn để đảo ngược đường hướng".
Theo Tổng Giám đốc Azevedo, hành động "ăn miếng trả miếng" sẽ đẩy thế giới vào suy thoái. Ông đồng thời kêu gọi tất cả các nước thành viên triển khai mọi nỗ lực để ngăn chặn sự sụp đổ của "những quân cờ domio đầu tiên", nhấn mạnh hiện vẫn còn thời gian để ngăn chặn điều này.
Trước đó, người đứng đầu WTO cũng đã cảnh báo về sự hiện hữu “mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ thương mại" và khẳng định “thương mại và công nghệ là những giải pháp” cho sự phát triển thế giới./.
Nguồn tin: Bnews