Ống thép Việt xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong thời gian bị điều tra phải chịu mức thuế thấp nhất là 17,72% và cao nhất lên tới 53,92%.
Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, cuối tháng 12/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ khẳng định có bán phá giá trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng ống thép hàn chịu lực không gỉ nhập khẩu từ Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, 2 bị đơn bắt buộc phải chịu mức thuế suất 17,72% và mức thuế suất toàn quốc cho toàn bộ các nhà sản xuất, xuất khẩu khác là 53,92%. Sau khi công bố kết luận sơ bộ, DOC sẽ hướng dẫn Cục Hải quan và Bảo vệ biên giới yêu cầu tiền ký quỹ dựa trên mức thuế sơ bộ được tính toán trong cuộc điều tra. Vụ kiện chống bán phá giá thép Việt do phía doanh nghiệp Mỹ khởi xướng từ hồi tháng 7/2013. Giai đoạn điều tra chống bán phá giá dự kiến từ 1/7/2012 đến 31/6/2013, biện độ phá giá bị cáo buộc là 110%. Đây là lần thứ 4 sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị kiện chống bán phá giá, sau ống thép hàn cacbon, ống thép không gỉ chịu lực và mắc áo bằng thép. Mức thuế trên áp dụng cho giai đoạn điều tra từ 1/10/2012 đến 31/3/2013. Theo thông tin từ đơn kiện, trong năm 2012, lượng xuất khẩu ống thép hàn chịu lực không gỉ của Việt Nam sang Mỹ đạt mức 4.700 tấn, chiếm khoảng 6, 61% lượng nhập khẩu vào thị trường này. DOC sẽ công bố kết quả điều tra vào ngày 17/5/2014. Sau đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại vào ngày 1/7/2014. Nếu các văn bản nêu trên bất lợi cho phía Việt Nam, DOC sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá. Ngược lại, nếu một trong hai cơ quan phủ định, thuế suất mới sẽ không được áp dụng. Cục Quản lý cạnh tranh cũng cho biết, vào cuối tháng 12, Bộ Phát triển Công nghiệp và Ngoại thương Brazil cũng đưa ra kết luận cuối cùng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp cao su xe máy nhập khẩu từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc, trong đó mức thuế dành cho Việt Nam 1,8-7,79%, cao hơn khá nhiều so với hai quốc gia nói trên. Nguồn tin: vnExpress