Dự kiến, ngày 7/11, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ chính thức tiến hành cuộc điều tra về việc liệu có phải các công ty thép Trung Quốc đang tuồn thép sang Việt Nam rồi mới xuất sang Mỹ để tránh thuế nhập khẩu.
Quyết định điều tra được đưa ra sau đơn khiếu nại của các nhà sản xuất thép tại Mỹ hồi tháng 9 vừa qua, như một nỗ lực của chính phủ nước này nhằm ngăn chặn tình trạng sản phẩm từ kim loại Trung Quốc tràn ngập và dư thừa tại thị trường Hoa Kỳ.
Cuộc điều tra có thể sẽ dẫn đến một mức thuế mới đối với loại thép nhập khẩu từ Trung Quốc qua Việt Nam, áp dụng để chống tình trạng trốn thuế, gian lận thuế từ phía Trung Quốc.
Theo đơn khiếu nại, các nhà sản xuất thép của Mỹ cáo buộc rằng các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã vận chuyển kim loại vào Việt Nam, thực hiện các bước gia công và hoàn thiện tại đây để có thể phân loại như là một sản phẩm của Việt Nam, rồi sau đó mới xuất sang Mỹ để được áp mức thuế thấp hơn.
Trọng tâm của vấn đề là ở chỗ, những thay đổi của sản phẩm sau quá trình gia công đó, ví dụ như thêm lớp mạ kẽm để trở thành sản phẩm thép chống ăn mòn (thép mạ), liệu có là sự thay đổi đáng kể và đủ để biến một sản phẩm từ thương hiệu “Made in Trung Quốc” thành “Made in Việt Nam” hay không.
Theo ý kiến từ luật sư của các nhà sản xuất thép Mỹ, thì lớp mạ kẽm đó thực chất là “sự đầu tư tương đối nhỏ, thêm ít giá trị cho sản phẩm và không tạo ra thêm bất cứ thành phần nào”.
Trong khi đó, những đơn vị nhập khẩu thép châu Á tại Mỹ lại phàn nàn rằng họ đang bị phạt oan.
Minmentals, một công ty buôn bán thép có trụ sở tại New Jersey, đang phản đối cuộc điều tra. Trong lá thư gửi tới Bộ Thương mại Hoa Kỳ, công ty này lập luận rằng “có một sự biến đổi đáng kể xảy ra” khi thép được phủ lớp mạ kẽm.
Dưới áp lực từ các nhà sản xuất thép nội địa, trong năm qua, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế cao tới 266% đối với ít nhất 4 loại thép mới nhập khẩu từ Trung Quốc. Do đó, phía Mỹ đang vô cùng lo lắng khi thép của Việt Nam đang bắt đầu tràn vào các cảng của nước này.
Trong bối cảnh đó, hồi tháng 9 vừa qua, bốn nhà sản xuất thép của Mỹ là U.S. Steel Corp., Nucor Corp., AK Steel Holding Corp. và ArcelorMittal đã đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại.
Một phát ngôn viên của ArcelorMittal cho biết, công ty này đang chờ đợi kết quả của cuộc điều tra.
Dưới áp lực từ các nhà sản xuất thép nội địa, trong năm qua, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế cao tới 266% đối với ít nhất 4 loại thép mới nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các dữ liệu thương mại độc lập có vẻ hỗ trợ cho những gì mà các nhà sản xuất thép của Mỹ đang cáo buộc.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, các lô hàng thép từ Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng lên 312.329 tấn, so với 25.756 tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, xuất khẩu thép từ Trung Quốc sang Việt Nam cũng tăng 46% lên 6,3 triệu tấn so với 4,3 triệu tấn cùng kỳ năm trước, theo dữ liệu từ Công ty Dịch vụ thông tin thương mại toàn cầu (Global Trade Information Services).
Cuộc đấu tranh để chống lại tình trạng dư thừa sản phẩm kim loại Trung Quốc trên thị trường Mỹ đang diễn ra không chỉ ở ngành thép. Bộ thương mại và Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ cũng đang điều tra về công ty Zhongwang Holdings Ltd. - một trong những nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Trung Quốc.
Phía Mỹ nghi ngờ rằng nhôm của công ty này đã được vận chuyển qua Mexico, sau đó được thực hiện gia công tại một nhà máy ở New Jersey để tránh thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, phía công ty Zhongwang đã lên tiếng phủ nhận những hành vi này.
Nguồn tin: ĐTCK