Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ điều tra thép TQ 'đội lốt' thép Việt: Nỗi lo chung

  Việc chứng minh thép Việt Nam có nguồn gốc rõ ràng hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị gia nhập TPP.

Có cơ sở điều tra

Bộ Thương mại Mỹ dự kiến tiến hành điều tra chính thức vào ngày 7/11 về việc các công ty Trung Quốc chuyển thép qua Việt Nam nhằm tránh mức thuế cao khi xuất khẩu sang Mỹ.

Trung tâm của vấn đề là liệu những thay đổi về cơ bản có đủ để biến thép Trung Quốc thành một sản phẩm mang thương hiệu thép Việt Nam thực sự hay không?

Trao đổi với Đất Việt, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cho rằng phản ứng của phía Mỹ là hoàn toàn bình thường và có cơ sở.

Theo TS Doanh, thép Trung Quốc hiện nay đang dư thừa rất lớn. Họ có công suất sản xuất 1200 triệu tấn thép/năm và có nhu cầu phải xuất khẩu hàng năm lên tới 500-600 triệu tấn thép.

Theo TS Lê Đăng Doan, việc chứng minh thép Việt Nam có nguồn gốc rõ ràng hết sức quan trọng, nhất là trong
bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị gia nhập TPP. Ảnh minh họa

Hơn nữa Trung Quốc đã xảy ra việc tranh chấp về xuất khẩu thép giữa với Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ.

“Trong 2 cuộc cạnh tranh này đều có nêu lên vấn đề Trung Quốc đã bán phá giá và xâm nhập, gây tác hại mạnh đến thị trường thép của EU cũng như Hoa Kỳ. Vì vậy hiện nay phía Mỹ có những nghi ngờ nhất định nào đó thì sẽ điều tra. Và điều đó tôi nghĩ chúng ta nên hợp tác một cách nghiêm túc và tạo điều kiện cho phía Hoa Kỳ điều tra 1 cách chính xác nhất”, TS Doanh nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Sơn Lâm - Trưởng bộ môn Kỹ thuật Gang Thép - ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định, không chỉ riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác khi xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ cũng gặp khó khăn khi bị phía các doanh nghiệp Mỹ kiện cáo.

“Khi có nghi ngờ thì Mỹ sẽ tiến hành điều tra. Tôi nghĩ với một nền kinh tế thị trường mạnh mẽ như Mỹ thì không có gì quá lạ lẫm. Chúng ta cứ để Mỹ điều tra. Nếu Việt Nam thực sự tiến hành gia công và xuất khẩu thì không có gì phải sợ cả. Còn nếu doanh nghiệp nào đó nhập thép Trung Quốc, không tiến hành gia công, sản xuất thì quan điểm của tôi cũng không ủng hộ. Nếu phía Mỹ điều tra có hiện tượng đó thì chúng ta buộc phải chấp nhận xử lý”, PGS.TS Lâm nêu quan điểm.

Phân tích kỹ hơn về quá trình gia công thép của Việt Nam, vị chuyên gia nhấn mạnh: “Việc gia công chúng ta cũng tốn rất nhiều sức và công nghệ. Công nghệ thép mỏng cũng hết sức phức tạp. Thông thường chúng ta nhập tấm thép dày trên 10 ly để cán mỏng thành những miếng chỉ từ 0,37-0,42 ly. Việc này phải trải qua nhiều quá trình, từ nung, cán nóng, cán nguội mới ra được các sản phẩm mỏng.

Những doanh nghiệp của Việt Nam và liên doanh có đầy đủ khả năng để làm việc này. Khi chúng ta đã tiến hành các công đoạn gia công đó thì thép xuất khẩu mang thương hiệu của chúng ta. Trường hợp này cũng giống như điện thoại Samsung. Chúng ta nhập linh kiện, thiết bị về trên cơ sở thiết kế rồi tiến hành lắp ráp. Trên nhãn mác cũng ghi rõ là điện thoại Việt Nam xuất khẩu”.

Tương lai sẽ khó khăn

Bình luận thêm về việc Bộ Thương mại Mỹ kiểm tra các sản phẩm thép xuất khẩu từ Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh nhận định, việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng với nước ta, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập TPP.

“Nghị quyết 4 Trung ương vừa rồi đã ra một vấn đề rất quan trọng về câu chuyện hội nhập. Vì vậy Việt Nam phải chứng minh rằng chúng ta thực hiện đúng các điều khoản của hiệp định TPP quy định về xuất xứ của hàng hóa, tránh các gian lận thương mại để tránh làm hại lợi ích của Việt Nam cũng như của Hoa Kỳ.

Để khẳng định Việt Nam là một đối tác tin cậy tôi nghĩ chúng ta nên hợp tác. Khi chúng ta hợp tác tốt thì có thể chứng minh Việt Nam chỉ là nạn nhân, chứ không phải là thủ phạm. Điều đó về lâu dài sẽ tốt cho chúng ta”, TS Doanh nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, nếu trong lần kiểm tra này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ phát hiện những gian dối trong các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam thì chắc chắn các mặt hàng xuất khẩu khác của chúng ta trong thời gian tới sẽ gặp thêm nhiều khó khăn.

“Khi phía Mỹ phát hiện ra sai phạm, tất nhiên họ sẽ có những biện pháp để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp trong nước Mỹ. Việc chứng minh Việt Nam không làm điều gì sai trái hết sức quan trọng với chúng ta. Khi tham gia hiệp định TPP, Mỹ sẽ truy nguồn gốc hàng hóa nếu chúng ta xuất khẩu vào thị trường này. Nếu bây giờ Hoa Kỳ có căn cứ về việc Việt Nam gian lận thì sẽ rất thiệt hại cho chúng ta sau này”, TS Doanh lo ngại.

Nhận định thêm về vấn đề này, PGS.TS Lâm thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, nếu phía Việt Nam không làm tới cùng thì chắc chắn sau này các doanh nghiệp trong nước sẽ gặp thêm nhiều khó khăn trong việc tìm cách xuất khẩu thép vào thị trường Mỹ.

Nguồn tin: Đất việt

ĐỌC THÊM