Nỗ lực giải quyết căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã có thêm một bước tiến tích cực sau khi hai bên nhất trí xúc tiến việc tổ chức các cuộc đàm phán để chấm dứt các đòn “ăn miếng trả miếng” liên quan đến thuế áp lên sản phẩm thép và nhôm. Đây là tín hiệu lạc quan cho mối quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương, nhất là vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang gây tổn hại cho nền kinh tế của cả hai bên.
Mỹ và EU đã nhất trí xúc tiến các cuộc đàm phán về sản xuất thép và nhôm.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra vào đầu tuần này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai và Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis thông báo, hai bên đã bắt đầu xúc tiến các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề dư thừa trong lĩnh vực sản xuất thép và nhôm trên toàn cầu. Mặc dù không đề cập chi tiết về thuế quan, song tuyên bố của hai bên khẳng định tránh để những thay đổi trong vấn đề này ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại song phương. Phía EU cũng cho biết sẽ tạm thời đình chỉ kế hoạch tiếp tục áp thuế “trả đũa” đối với hàng hóa của Mỹ, vốn dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Đây là diễn biến mới nhất liên quan đến những tranh cãi về thuế quan đã đè nặng lên mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong suốt hơn 2 năm qua. Căng thẳng giữa hai bên bắt đầu nổ ra vào tháng 6-2018, khi Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump quyết định đơn phương áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ châu Âu, châu Á và nhiều khu vực khác với lý do an ninh quốc gia. EU đã quyết liệt phản đối bước đi này và sau nhiều nỗ lực nhưng không đạt được thỏa thuận, Brussels đã đưa vụ việc lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đồng thời đáp trả bằng việc áp thuế đối với các sản phẩm mang tính biểu tượng của xứ Cờ hoa có tổng trị giá lên tới 6,4 tỷ euro (7,78 tỷ USD).
Theo đó, EU bước đầu nhắm mục tiêu vào 2,8 tỷ euro hàng hóa xuất khẩu của Mỹ và lên kế hoạch tiếp tục áp đặt rào cản lên 3,6 tỷ euro hàng hóa còn lại vào thời điểm 3 năm sau, hoặc sau khi đạt được một kết quả khả quan tại WTO. Như vậy, đợt thuế quan thứ hai dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, nhờ sự hạ nhiệt trong quan hệ với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ủy ban châu Âu (EC) - cơ quan giám sát chính sách thương mại của EU ngày 17-5 đã ra thông báo tạm ngừng kế hoạch này trong thời gian tối đa 6 tháng. Đổi lại, hai bên đồng ý tham gia đối thoại về vấn đề sản xuất quá mức khiến nguồn cung dư thừa để hướng tới một thỏa thuận khả thi.
Ngay sau khi Tổng thống J.Biden đắc cử, lãnh đạo nhiều quốc gia châu Âu đã bày tỏ kỳ vọng về sự hồi sinh quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương. Tháng 6 tới, vị Tổng thống 78 tuổi sẽ tới châu Âu, đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho biết, Mỹ cần hướng tới một cam kết cụ thể để đáp lại những thiện chí từ EU. Brussels thúc giục Washington đình chỉ thuế nhôm và thép trong vòng 6 tháng, tham khảo từ việc hai bên đã đình chỉ áp thuế trả đũa trong vòng 4 tháng liên quan đến vấn đề trợ cấp cho các hãng sản xuất máy bay, sau cuộc điện đàm giữa Tổng thống J.Biden và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hồi đầu tháng 3 vừa qua.
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính và Thuế vụ Hạ viện Mỹ vào tuần trước, Đại diện Thương mại Mỹ K.Tai cho rằng, khả năng nước này và EU sẽ giải quyết được những tranh chấp liên quan tới trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay cũng như vấn đề thuế nhôm và thép. Tranh cãi giữa hai bên chưa hẳn đã kết thúc, song bước đi thiện chí thời gian qua là tín hiệu lạc quan mở đường cho những hợp tác sâu rộng hơn về thương mại giữa Mỹ và EU.
Nguồn tin: Hà nội mới