Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ nâng lãi suất cơ bản: Tín hiệu phục hồi nền kinh tế

Không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia, kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức khoảng 1,75 - 2%. Đây là lần điều chỉnh lãi suất thứ 2 của FED trong năm nay, thể hiện sự tự tin vào một nền kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm nhưng bền vững.


Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục là cơ sở để FED tăng lãi suất.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, FED đã duy trì mức lãi suất cơ bản dưới 0,25% và thực hiện các gói nới lỏng tài chính nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, kích thích sản xuất. Vì thế, quyết định vừa được đưa ra cho thấy, FED đánh giá nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững, khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục trong gần 20 năm qua là 3,8%, lạm phát gia tăng ở mức chấp nhận được, dao động quanh mục tiêu là 2%. Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng, lý do chính để cơ quan này quyết định tăng lãi suất là nền kinh tế Mỹ đang hoạt động rất tốt. FED dự báo tăng trưởng kinh tế của xứ Cờ hoa sẽ đạt 2,8% trong năm 2018, tăng 0,1% so với mức dự báo được đưa ra hồi tháng 3; tỷ lệ lạm phát có thể ở mức 2,1% vào cuối năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ước còn 3,6%.

Thông tin từ cuộc họp cho thấy, không loại trừ khả năng FED còn 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay. Theo đánh giá của Ủy ban Thị trường mở (FOMC), kinh tế Mỹ gần đây đã có nhiều chỉ số tích cực, giúp chi tiêu của các hộ gia đình tăng. Đây cũng là lý do để FOMC cho rằng có thể sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa từ nay đến cuối năm. Như vậy, đúng theo lộ trình dự báo, lãi suất đồng USD sẽ tăng tổng cộng 4 lần trong năm 2018, trong bối cảnh có nhiều tín hiệu lạc quan với cam kết cắt giảm thuế, tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng các quy định về tài chính của Tổng thống Donald Trump kể từ khi nhậm chức. Trước lo ngại về ảnh hưởng của căng thẳng thương mại liên quan tới mức thuế nhập khẩu nhôm và thép mới của Washington, ông J.Powell khẳng định cơ quan này chưa ghi nhận bất kỳ tác động tiêu cực nào gây tổn hại tới tăng trưởng chung.

Giới quan sát cho rằng, thông tin FED tăng lãi suất không tác động nhiều tới thị trường toàn cầu trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư đã lường trước xu hướng này. Tuy vậy, sự lạc quan của FED về nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể dẫn tới chi phí của các khoản vay tín dụng, vay thế chấp, vay đầu tư doanh nghiệp, đầu tư bất động sản… tăng cao hơn trong năm tới khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhanh hơn dự đoán. Thị trường chứng khoán Mỹ với các chỉ số chủ chốt như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 14-6 do lo ngại lãi suất tăng quá nhanh sẽ kéo lùi đà tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, việc tăng lãi suất có thể khiến đồng USD tăng giá.

Lo ngại trước nguy cơ lạm phát gia tăng, FED buộc phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến để giữ cho nền kinh tế không rơi vào đà tăng trưởng quá nóng, với kỳ vọng lãi suất sẽ tăng lên mức 2,25 - 2,5% vào cuối năm nay. Các chuyên gia dự báo nhiều khả năng lãi suất sẽ tăng thêm 3 lần trong năm 2019 và từ 1 đến 2 lần vào năm 2020. Hiện FED vẫn phải đối mặt với bài toán khó để duy trì bộ máy kinh tế vận hành trơn tru. Việc tăng lãi suất quá nhanh có thể làm giảm tốc độ khôi phục kinh tế, vốn vừa trở lại đà tăng trưởng sau nhiều năm ảm đạm, trong khi lãi suất tăng quá chậm khiến lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, đẩy giá tiêu dùng lên cao và kéo nền kinh tế trở lại nguy cơ suy thoái. Bởi vậy, việc tăng dần lãi suất cơ bản cũng được nhìn nhận là cách tốt nhất để tránh một kịch bản gây tổn hại cho nền kinh tế đang hồi phục của xứ Cờ hoa.

Nguồn tin: Hà nội mới

 

ĐỌC THÊM