Theo hãng tin Sputnik ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa thông báo tạm ngừng áp thuế ở mức 25% dành cho thép và các sản phẩm từ thép nhập khẩu từ Ukraine trong vòng một năm.
Trong tuyên bố, Tổng thống Biden nêu rõ Bộ Thương mại Mỹ có nhiệm vụ “theo dõi tình hình ngành công nghiệp thép trong nước và các động thái liên quan ngành thép Ukraine” để tham mưu về việc gia hạn hoặc hủy bỏ lệnh miễn thuế nói trên.
Ông cho biết Ukraine chiếm chưa tới 1% thép nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2021, đồng thời dự báo sản lượng thép của Ukraine cũng như kim ngạch xuất khẩu thép của quốc gia Đông Âu này vào Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm do tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay.
Năm 2018, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã viện dẫn lý do “an ninh quốc gia” để áp đặt mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ một số nước, trong đó có Ukraine.
Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson về vấn đề hỗ trợ quốc phòng dành cho Kiev.
Trên mạng Twitter, ông Zelensky xác nhận hai bên đã thảo luận về việc tăng cường viện trợ quốc phòng cho Ukraine, củng cố những đảm bảo an ninh. Hai bên đã đề cập đến vấn đề cung cấp nhiên liệu cho Ukraine trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Đầu tháng này, Thủ tướng Johnson đã thông báo rằng Chính phủ Anh sẽ cung cấp 1,3 tỷ bảng (khoảng 1,64 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine.
Tại Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Các vấn đề kinh tế và Hành động khí hậu Đức Robert Habeck cho biết nước này đang hỗ trợ đáng kể cho Ukraine về vũ trang, nhưng không thể đáp ứng mọi yêu cầu của Kiev.
Trả lời phỏng vấn báo Welt am Sonntag, Phó Thủ tướng Habeck nhấn mạnh trong tương lai gần, Đức sẽ cung cấp pháo tự hành PzH 2000 cho Ukraine, song Berlin "không thể đáp ứng tất cả những mong muốn của Ukraine" và đây là điều gây "căng thẳng trong quan hệ" giữa hai nước.
Theo báo Thế giới Chủ nhật (WaS) của Đức, Chính phủ Đức hiện đã giảm hỗ trợ quân sự cho Ukraine xuống mức tối thiểu trong 9 tuần qua và không cung cấp cho Ukraine bất kỳ vũ khí hạng nhẹ đáng kể nào.
Cho đến nay, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vẫn từ chối cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh của Đức cho Ukraine với lý do việc cung cấp chỉ được thực hiện với sự phối hợp với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nguồn tin: Vietnambiz