Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu các mặt hàng thép và nhôm từ một số quốc gia.
Trong một thông báo ra ngày 29/8, Bộ Thương mại Mỹ cho biết Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh cho phép không áp đặt hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm thép từ Hàn Quốc, Brazil, Argentina, và nhôm từ Argentina.
Mỹ nới lỏng hạn ngạch nhập khẩu nhôm thép từ một số nước. Ảnh: TTXVN phát
Thông báo nêu rõ các công ty có thể xin miễn hạn ngạch nếu các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ không đảm bảo số lượng và chất lượng. Trong những trường hợp như vậy, những sản phẩm này có thể được miễn trừ hạn ngạch và sẽ không phải chịu thuế.
Ngày 31/5 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết nước này và một số nước đã hoàn tất thỏa thuận về mức hạn chế để được miễn áp thuế đối với các mặt hàng nhôm và thép xuất khẩu sang Mỹ.
Trước đó, Washington và Seoul đã đạt thỏa thuận, theo đó Hàn Quốc sẽ phải chịu mức hạn ngạch xuất khẩu tương đương 70% lượng thép mỗi năm sang Mỹ trong các năm 2015-2017.
Trong khi đó, phía Chính phủ Brazil chỉ trích hạn ngạch và thuế quan do Mỹ áp đặt đối với các mặt hàng xuất khẩu nhôm và thép của Brazil hiện nay là phi lý. Tuy nhiên, nước này vẫn để ngỏ khả năng đàm phán với Mỹ nhằm tìm ra giải pháp.
Lượng thép bán thành phẩm của Brazil xuất khẩu sang Mỹ tuân theo hạn ngạch dựa trên mức trung bình từ năm 2015-2017, trong khi thép thành phẩm sẽ bị giới hạn theo hạn ngạch 70% mức trung bình của 3 năm này.
Với lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua.
Quyết định này đã tạo ra một làn sóng bất bình từ các nước châu Âu và Nhật Bản. EU đã quyết định trả đũa với mức thuế tương tự đối với xe máy Harley-Davidson và một số mặt hàng khác của Mỹ.
Theo giới chuyên gia, việc các nước áp đặt các biện pháp đơn phương mang tính rào cản đối với thương mại tự do không phải là giải pháp tốt, bởi nó đi ngược lại xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, cản trở hệ thống thương mại toàn cầu, đồng thời có thể dẫn tới các cuộc chiến thương mại, ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng kinh tế của các nước, các khu vực và cả thế giới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể tăng trưởng tối đa là 3,9% trong năm 2018 và 2019, song mối đe dọa về một sự suy giảm vẫn hiện hữu vì những căng thẳng thương mại đang ngày càng gia tăng./.
Nguồn tin: Bnews