Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Ba loan báo phán quyết sơ bộ xác nhận các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam được nói là có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan tránh thuế chống bán phá giá.
Tư liệu - Một công nhân làm việc tại nhà máy thép Hòa Phát ở tỉnh Hải Dương, Việt Nam, ngày 14 tháng 6, 2016.
Loan báo này mở đường cho việc Mỹ đánh thuế lên thêm các sản phẩm thép nữa từ Việt Nam mà trước đó chủ yếu nhắm vào các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc.
“Bộ Thương mại sẽ chỉ thị Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới bắt đầu thu thập ngân khoản đối với các sản phẩm thép chống gỉ và thép cuộn cán nguội nhập khẩu được sản xuất tại Việt Nam sử dụng thép chất nền có nguồn gốc Hàn Quốc hoặc Đài Loan,” thông cáo của Bộ gửi cho VOA nói.
Thuế suất có thể lên tới 456,23 phần trăm tùy theo nguồn gốc thép chất nền và loại sản phẩm thép xuất khẩu sang Mỹ, thông cáo nói thêm.
Bộ Thương mại sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong những tháng tới. Trước đây bộ từng đưa ra phán quyết tương tự đối với thép từ Việt Nam được nói là có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phán quyết sơ bộ được đưa ra vào tháng 12 năm 2017 và chung quyết vào tháng 5 năm 2018.
Bước đi này cho thấy chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang ráo riết đẩy mạnh nỗ lực trấn áp điều mà họ nói là hành vi lợi dụng của các đối tác thương mại, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong chủ trương “Làm Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại.”
Tuần trước ông Trump đưa ra những chỉ trích gay gắt nhất nhắm vào Việt Nam về vấn đề thương mại, cáo buộc nước này là “kẻ lợi dụng tồi tệ nhất trong tất cả các nước” trong bối cảnh thâm hụt mậu dịch hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tiếp tục gia tăng kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2017.
Việt Nam đáp lại bằng cách nói rằng họ chủ trương thúc đẩy giao thương giữa hai nước “theo hướng tự do, công bằng trên cơ sở đôi bên cùng có lợi” và đang triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, chống gian lận thương mại.
Việt Nam chưa phản ứng ngay tức thì về loan báo của Bộ Thương mại Mỹ, nhưng trong phán quyết trước đó vào năm 2018, tin cho hay Bộ Công thương Việt Nam đã đề nghị Bộ Thương Mại Mỹ “điều tra một cách khách quan” và không áp dụng biện pháp này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết các sản phẩm thép chống gỉ của Việt Nam nhập khẩu Mỹ đã tăng từ 220 triệu đôla (trong khoảng thời gian 40 tháng từ tháng 9 năm 2013 tới khi thuế nhập khẩu sơ bộ của Mỹ áp đặt lên sản phẩm của Hàn Quốc và Đài Loan vào tháng 12 năm 2015) lên tới 950 triệu đôla (khoảng thời gian 40 tháng từ khi áp thuế vào tháng 12 năm 2015 đến tháng 4 năm 2019), tăng 331,9 phần trăm.
Ngoài ra Bộ nói thép cuộn cán nguội từ Việt Nam nhập khẩu Mỹ tăng từ 49 triệu đôla (trong khoảng thời gian 38 tháng từ tháng 1 năm 2013 đến khi thuế nhập khẩu áp lên sản phẩm của Đài Loan và Hàn Quốc vào tháng 2 năm 2016) lên đến 498 triệu đôla (khoảng thời gian 38 tháng từ khi áp thuế vào tháng 3 năm 2016 đến tháng 4 năm 2019), tăng 916,4 phần trăm.
Tới nay, chính quyền Trump đã công bố 31 phán quyết sơ bộ hoặc/và phán quyết cuối cùng xác định việc các đối tác né tránh thuế của Mỹ chống bán phá giá, số này tăng 417 phần trăm so với số phán quyết trong cùng giai đoạn của chính quyền trước, theo thông cáo của Bộ Thương mại.
Nguồn tin: Voatiengviet