Các nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ thuế nhằm giúp xoa dịu thiệt hại về kinh tế của Ukraine.
Ngày 9/5, Mỹ tạm ngừng đánh thuế trong vòng một năm đối với thép nhập khẩu từ Ukraine, một động thái nhằm trợ giúp nền kinh tế của quốc gia Đông Âu này.
Chỉ rõ tầm quan trọng của việc ngành công nghiệp Ukraine tiếp tục hoạt động, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo tuyên bố: "Chúng ta cần ủng hộ họ và hỗ trợ một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất đối với nền kinh tế của Ukraine".
Mức thuế 25% đối với mặt hàng thép được áp vào tháng 3/2018 nhằm bảo vệ ngành công nghiệp trong nước của Mỹ, mặc dù một số quốc gia được miễn mức thuế này. Các nghị sĩ và lãnh đạo doanh nghiệp đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Joe Biden dỡ bỏ thuế nhằm giúp xoa dịu thiệt hại về kinh tế của Ukraine.
Theo trung tâm phân tích tại Trường Kinh tế Kiev của Ukraine, thiệt hại kinh tế trực tiếp của nước này do hệ thống cơ sở hạ tầng bị phá hủy kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt của Nga đã lên tới 80,4 tỷ USD. So với tuần trước, con số thiệt hại đã tăng thêm 12,2 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Ukraine - bao gồm sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), rút các khoản đầu tư, cắt giảm lao động và chuyển hướng chi phí - dao động từ 564-600 tỷ USD.
Những thiệt hại lớn nhất trong số những cơ sở công nghiệp được ghi nhận tại các xí nghiệp luyện kim và lọc dầu, ngoài ra, lĩnh vực chế tạo máy cũng chịu thiệt hại nặng nề, ở mức khoảng 6,5 tỷ USD.
Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 4 công bố báo cáo, trong đó đánh giá tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine đối với nền kinh tế nước này cũng như Nga và khu vực châu Âu, đồng thời cảnh báo triển vọng kinh tế u ám hơn nếu cuộc xung đột vẫn tiếp diễn.
Theo báo cáo của WB, kinh tế Ukraine trong năm 2022 sẽ giảm 45,1%, giảm sâu hơn so với mức dự báo từ 10-35% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng trước. Trong khi đó, GDP của Nga được dự báo giảm 11,2%.
Cuộc xung đột cũng ảnh hưởng đến kinh tế khu vực, trong đó GDP của riêng các nước Đông Âu dự kiến sẽ giảm 30,7%, còn các nước mới nổi và đang phát triển ở châu Âu và Trung Á sẽ giảm 4,1%.
Nguồn tin: Thế giới & Việt nam