Ngày 5/6, Hoa Kỳ tiến hành tính thuế thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico, chấm dứt thời hạn miễn trừ kéo dài 2 tháng (đến hết ngày 31/5) đối với các mặt hàng này. Giới phân tích lập tức cho rằng quyết định của Washington có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại với các đồng minh hàng đầu của Mỹ trong EU và NATO.
Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, mức thuế 25% với thép và 10% với nhôm sẽ bắt đầu vào đêm 5/6. Và, hành động này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một số đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ (có các thành viên NATO) ở châu Âu.
Đồng minh “thất vọng”
Bộ trưởng Ross cũng thông báo các lệnh trừng phạt từ Paris - nơi ông đã đàm phán với các nhà lãnh đạo EU, những người cố gắng để chống lại các thuế quan này. Ông cho biết, các cuộc đàm phán không thực hiện đủ tiến độ để bảo đảm việc trì hoãn hơn nữa và thừa nhận khả năng trả đũa sẽ xảy ra. “Chúng tôi sẽ phải xem phản ứng của họ” - ông nói - “Chúng tôi tiếp tục sẵn sàng và thực sự mong đợi thảo luận với tất cả các bên”.
Anh đã tỏ ra “thất vọng sâu sắc” bởi quyết định của Hoa Kỳ. Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, đó là một “ngày tồi tệ với thương mại thế giới”. Tương tự, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói rằng, thuế quan này là “vô lý và nguy hiểm”!
Bộ trưởng Le Maire cảnh báo rằng, EU sẽ thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết” để đáp trả nếu Mỹ áp đặt thuế quan. Ông nói: “Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ liệu họ muốn tham gia vào một cuộc xung đột thương mại với đối tác lớn nhất của họ ở châu Âu hay không?”.
Trong một phản ứng mới nhất từ châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, các nước thành viên EU sẽ có đáp trả “kiên quyết và thống nhất” trước việc Mỹ áp đặt thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm. Phát biểu tại Lisbon trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa, bà Merkel nhấn mạnh châu Âu muốn được miễn trừ khỏi các chế tài của Mỹ vốn không phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Tại Canada, nguồn cung cấp thép và nhôm lớn nhất cho Mỹ, Bộ trưởng Thương mại Francois-Philippe Champagne cho biết, bất kỳ mức thuế nào cũng “không thể chấp nhận được”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chrystia Freeland khẳng định, Canada sẽ có “biện pháp đáp trả” nếu những áp chế này được áp đặt.
Tổng thống Trump đã nói gì?
Chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế trong tháng 3, cho thấy sự cần thiết phải bảo vệ các nhà sản xuất thép và nhôm của Mỹ vì lý do an ninh quốc gia. Một số nước, bao gồm EU, đã được miễn trừ, đang chờ thảo luận về các điều khoản thương mại.
Hoa Kỳ cấp miễn giảm thường xuyên hơn đối với thuế quan cho một số nước như Hàn Quốc, để đổi lấy hạn chế về xuất khẩu. Khi Nhà Trắng công bố các biện pháp, EU đe dọa trả đũa các mức thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ như nước cam, quả nam việt quất và rượu whisky ngô.
Trung Quốc đã áp thuế mới trị giá 3 tỷ USD lên các hàng hóa Mỹ, bao gồm rượu vang, để trả đũa thuế thép và nhôm của Mỹ. EU là nơi sản xuất thép lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Ước tính có khoảng 320.000 người làm việc trong ngành thép ở EU.
Ông Wilbur Ross nói: “Một mặt, chúng tôi chờ mong tiếp tục đàm phán, cả với Canada lẫn Mexico, một mặt đàm phán với EU do còn tồn tại quá nhiều vấn đề cần giải quyết”.
Căng thẳng thương mại Mỹ - EU nóng lên trong bối cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Phát triển và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) khai mạc ngày 31/5 tại Whistler (Canada). Bộ trưởng Tài chính Mnuchin đã có các cuộc gặp riêng rẽ với người đồng cấp các nước EU để thảo luận chương trình nghị sự về thương mại của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump cam kết sẽ xây dựng lại ngành sản xuất thép và nhôm ở Hoa Kỳ mà ông cho là phải chịu sự đối xử “đáng xấu hổ” từ các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, trong hàng chục năm nay.
“Khi đất nước chúng ta không thể sản xuất nhôm và thép… Chúng ta hầu như không còn có đất nước nữa” - ông nói - “Chúng ta cần các nhà sản xuất thép tuyệt vời, các nhà sản xuất nhôm tuyệt vời cho quốc phòng”.
Nguồn tin: Người tiêu dùng