Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ tìm cách ngăn chặn thép và nhôm nhập khẩu

 Chính quyền Mỹ lần đầu tiên tuyên bố thép, nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”. Đây là cơ sở để Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra các biện pháp thuế quan và hạn ngạch đối với các mặt hàng này.

 

Thép, nhôm vào tầm ngắm

Trong một báo cáo vừa công bố, Bộ Thương mại Mỹ cho biết kim loại nhập ngoại tràn ngập thị trường Mỹ trong những năm gần đây đã đẩy các doanh nghiệp nội địa sản xuất máy bay, xe bọc thép và các sản phẩm khác phục vụ quân đội vào nguy cơ phá sản.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã đưa ra ba khuyến nghị để ông Trump có thể lựa chọn nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép của Mỹ, vốn đang phải vật lộn để cạnh tranh với sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc và các nước khác. Ba khuyến nghị này bao gồm: thứ nhất, áp thuế nhập khẩu 24% đối với thép từ tất cả các quốc gia; thứ hai, áp mức thuế thấp nhất là 53% đối với tất cả sản phẩm thép từ 12 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam... Thứ ba áp hạn ngạnh cho tất cả các nước và không được vượt quá hai phần ba số thép nhập khẩu vào Mỹ năm 2017.

Đối với nhôm, Bộ Thương mại Mỹ cũng đưa ra ba lựa chọn, bao gồm mức thuế chung 7,7% với tất cả các nước nhập khẩu, hoặc mức thuế lên tới 23,6% với nhôm từ các quốc gia/vùng lãnh thổ Trung Quốc, Hồng Kông, Nga, Venezuela và Việt Nam hoặc áp hạn ngạch nhập khẩu thấp hơn con số năm 2017.

Trong một cuộc họp với các nhà lập pháp của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ vài ngày sau báo cáo trên của Bộ Thương mại Mỹ, ông Trump cho biết Mỹ đang xem xét áp dụng thuế quan, hạn ngạch hoặc đồng thời cả hai biện pháp trên. “Chúng ta có thể phải chịu một mức giá cao hơn, nhưng chúng ta có việc làm”, ông Trump nói.

Những người ủng hộ các biện pháp thương mại, bao gồm các công ty thép của Mỹ và công đoàn ngành thép, cho rằng các nhà sản xuất kim loại của Mỹ rất cần Nhà Trắng có những biện pháp ngăn “dòng chảy ồ ạt” thép và nhôm nhập khẩu giá rẻ. Nhiều nhà máy thép và nhôm của Mỹ đang chật vật cạnh tranh trong thị trường đã bão hòa này, một số đã phải thu hẹp quy mô sản xuất và sa thải lao động.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, 10 lò sản xuất thép đã đóng cửa kể từ năm 2000. Bên cạnh đó, tám nhà máy luyện nhôm cũng trong tình trạng phải đóng cửa hoặc thu hẹp hoạt động kể từ đầu năm 2015, theo Hiệp hội nhôm Mỹ.

Do không thể áp dụng trực tiếp các biện pháp thuế và hạn ngạch với thị trường Trung Quốc nên chính quyền Tổng thống Trump buộc phải cân nhắc áp dụng các biện pháp trên với nhiều nước khác.

Không phải cây đũa thần

Việc áp thuế và hạn ngạch có thể sẽ cứu vãn được ngành thép và nhôm của Mỹ nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành công nghiệp khác đang sử dụng thép nhập khẩu như ngành sản xuất ô tô, máy bay, đóng gói thực phẩm và nhiều ngành khác. Các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ các biện pháp trừng phạt trên cho rằng, thuế và hạn ngạch sẽ khiến chi phí sản xuất tăng, giảm lợi nhuận và cuối cùng là cắt giảm lao động.

Christine McDaniel, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Mercatus, một tổ chức nghiên cứu hỗ trợ thị trường tự do cho biết cứ mỗi lao động trong ngành thép được hưởng lợi do tác động của thuế, hạn ngạch thì có tới hơn 38 lao động trong ngành khác bị thiệt hại. “Có nhiều bằng chứng cho thấy thuế nhập khẩu sẽ gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế và việc làm tại Mỹ”, bà nói.

Cổ phiếu của các công ty thép của Mỹ, trong đó có United States Steel, Nucor và AK Steel đã tăng sau khi báo cáo nói trên được phát hành. Ngược lại, cổ phiếu của Ford Motor Company và General Motors, những công ty mua nhôm và thép để sản xuất xe hơi, thì giảm xuống.

Ai cũng biết mục tiêu chính của những biện pháp trừng phạt trên chủ yếu nhằm vào thép Trung Quốc. Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, sản lượng thép và nhôm của Trung Quốc chiếm một nửa số thép và nhôm của thế giới, trong khi chỉ khoảng hai thập kỷ trước, sản lượng này là không đáng kể. Hiện nay, chỉ tính riêng sản lượng thép của Trung Quốc sản xuất mỗi tháng đã bằng sản lượng thép sản xuất cả năm tại Mỹ. Chính điều này đã khiến giá kim loại toàn cầu giảm tới ngưỡng mà các công ty Mỹ mất khả năng cạnh tranh.

Tuy vậy, những biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm trực tiếp vào thép Trung Quốc còn rất ít. Bởi trước đó, Mỹ đã áp dụng một loạt biện pháp hạn chế thương mại đối với thép Trung Quốc dẫn tới chỉ 2% thép của Trung Quốc được nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ năm 2015, còn lại được nhập khẩu gián tiếp qua các nước khác. Theo CNN, một lượng lớn thép bán thành phẩm được chuyển từ Trung Quốc sang Hàn Quốc và Việt Nam, ở đó, công nhân thực hiện bước cuối cùng và thép thành phẩm sau đó được xuất khẩu sang Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, sản lượng xuất khẩu thép của Việt Nam sang Mỹ đã tăng hơn năm lần, từ khoảng hơn 120.000 tấn năm 2011 lên gần 730.000 tấn năm 2017. Trong khi đó, trong cùng giai đoạn, sản lượng thép của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ giảm khoảng 30%, từ hơn 1,13 triệu tấn xuống còn khoảng hơn 780.000 tấn năm 2017.

Do không thể áp dụng trực tiếp các biện pháp thuế và hạn ngạch với thị trường Trung Quốc nên chính quyền Tổng thống Trump buộc phải cân nhắc áp dụng các biện pháp trên với nhiều nước khác. Năm 2017, Canada đứng đầu danh sách các nước mà Mỹ nhập khẩu thép với hơn 5,8 triệu tấn, tiếp theo là Brazil, Hàn Quốc, Mexico, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.

Tổng thống Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào giữa tháng 4 tới.

Nguồn tin: KTSG

ĐỌC THÊM