Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ - Trung Quốc: Nóng bỏng chuyện tỉ giá đồng nhân dân tệ

Những tranh cãi về tỉ giá đồng nhân dân tệ (NDT) giữa Mỹ và Trung Quốc vừa bùng phát thành một cao trào mới sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Trung Quốc và các quốc gia khác giữ tỉ giá thấp và yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ có biện pháp trừng phạt, bất chấp việc đồng NDT trong thời gian gần đây có tăng giá so với USD. Với dự luật trên, liệu rằng cuộc chiến kinh tế giữa hai cường quốc nhất nhì thế giới có xảy ra?

Nguồn: ANTG

Tháng 3/2010, Mỹ ban bố "quốc sách xuất khẩu". Thay vì mở rộng thị trường để nhập khẩu từ các nước và dùng đó làm lợi thế ngoại giao và an ninh, ngày nay Mỹ phải hạn chế nhập khẩu và đẩy bộ máy công quyền vào hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Nhìn từ Bắc Kinh, đây là quyết định tuyên chiến vì đánh thẳng vào chiến lược kinh tế dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc.

Washington không chỉ tuyên chiến bằng cách ra lệnh cho các phủ bộ phải yểm trợ xuất khẩu - như Bắc Kinh đã làm - mà còn liên tục khiếu kiện Bắc Kinh trước Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nêu vấn đề về hối suất đồng NDT. Vốn dĩ dễ bảo, các doanh nghiệp Mỹ nay lại tỏ vẻ thất vọng về thị trường Trung Quốc. Họ còn nói đến việc triệt thoái để đầu tư tại nơi khác, có lời hơn hoặc ít bị kiểm soát hơn. Một trong những nơi đó là Đông Nam Á, với dân số gần 600 triệu người, có sẵn quy chế hợp tác cấp vùng và trình độ sản xuất dù sao cũng cao hơn, luật lệ phân minh hơn...

Với Bắc Kinh, cuộc chiến kinh tế đã bắt đầu - bằng trận chiến mậu dịch. Trước Đại hội đảng khóa 18 tại Trung Quốc và cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ, cùng tiến hành vào năm 2012, cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lẫn Tổng thống Barack Obama đều hết đất lùi.

Trung Quốc vừa xây dựng khu vực tự do mậu dịch với ASEAN, thì Mỹ tung sáng kiến Đối tác Liên Thái Bình Dương để lôi kéo Singapore cùng các nước Thái Bình Dương tại Nam Mỹ. Bắc Kinh muốn “bẻ đũa từng chiếc” qua đàm phán song phương với từng nước trong ASEAN thì Mỹ vận động tập thể ASEAN cùng thống nhất đường lối chính trị và ngoại giao, là bảo vệ quyền lợi chung về kinh tế và vận chuyển hàng hải tự do trong vùng biển Đông Nam Á. Đã vậy, Mỹ còn lấn vào sân sau của Trung Quốc vì đòi hợp tác với các nước trong lưu vực sông Mekong. Như vậy, với Bắc Kinh, Mỹ đã lặng lẽ khai chiến về ngoại giao và chính trị.

Trung Quốc áp dụng chế độ quản lý hối đoái là ràng buộc giá đồng NDT vào USD theo hối suất nhất định, chỉ được xê xích trong một biên độ khá hẹp. Lợi thế của việc đó là giúp cho hàng hóa Trung Quốc trở thành rẻ và dễ bán hơn trong chiến lược lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng. Nhờ vậy, Trung Quốc đạt xuất siêu rất cao trong việc mua bán với Mỹ. Và cũng vì vậy, từ nhiều năm nay, Quốc hội Mỹ mới gây áp lực yêu cầu Bắc Kinh thả nổi, cho hối suất di động theo quy luật cung cầu: bán nhiều hơn mua thì đồng NDT lên giá, hàng sẽ đắt hơn và cán cân thương mại sẽ được điều chỉnh.

Dưới thời Tổng thống George W.Bush, áp lực ấy của Quốc hội Mỹ khiến Bắc Kinh đã nói là "thả nổi" bằng cách điều chỉnh tiệm tiến, kể từ tháng 7/2005. Trong 3 năm, đồng NDT tăng giá 20%, dù còn thấp hơn mức 27.5% mà Quốc hội Mỹ yêu cầu.

Thế rồi suy thoái kinh tế toàn cầu xảy ra và nguy cơ đình đọng kinh tế khiến từ tháng 7/2008 Bắc Kinh ấn định lại hối suất đồng NDT. Bị than phiền mãi,  từ hôm 19/6/2010 đến nay, Bắc Kinh cho đồng NDT nhích lên chút đỉnh, trong gần 3 tháng lên được gần 2%. Vì sao Bắc Kinh đã chuyển theo kinh tế thị trường từ 30 năm và gia nhập WTO cả chục năm nay mà vẫn duy trì chế độ kiểm soát hối đoái như vậy? Chuyện này thật ra cũng rắc rối khó hiểu.

Bảng hiệu giải thích cách phát hiện tiền USD giả bên ngoài một ngân hàng ở Bắc Kinh.

Từ khi cải cách năm 1979, Trung Quốc áp dụng chiến lược Đông Á là lấy xuất khẩu làm đầu máy kinh tế và đạt kết quả tăng trưởng ban đầu như các nước Đông Á kia. Thế rồi, dù đã thấy hạn chế của chiến lược đó tại Nhật sau vụ khủng hoảng 1990-2010 và tại Đông Á sau vụ khủng hoảng 1997-1998, Bắc Kinh vẫn chưa gỡ khỏi cái kẹt của chiến lược này. Lý do là mâu thuẫn về quyền lợi và quan điểm chính trị bên trong. Giữa các tỉnh duyên hải sống nhờ buôn bán với bên ngoài và cần đồng NDT rẻ, và các tỉnh lạc hậu bị khóa trong lục địa cần nâng cao lợi tức cho người dân. Từ năm 2005, Bắc Kinh đã tính chuyển hướng nên mới chịu nhả neo chầm chậm cho đồng NDT lên giá chút đỉnh, nhưng nạn suy thoái kinh tế năm 2008 khiến họ chột dạ và lại ghìm neo cho đồng NDT giảm giá.

Đảng Dân chủ và Tổng thống Obama đang gặp khó khăn trước cuộc bầu cử ngày 2-11 tới đây, và sau đó nữa. Chỉ vì "kinh tế" là mối quan tâm hàng đầu của cử tri, và nạn thất nghiệp vẫn còn quá cao - lại chưa thể thuyên giảm trong nhiều năm tới. Quốc hội Mỹ ý thức ra nguy cơ thất cử và nhu cầu thỏa mãn nghiệp đoàn lẫn xu hướng bảo hộ mậu dịch nên khai thác chuyện hối suất làm đề tài nóng. Vì vậy, cả hai viện đều đòi chính quyền Obama, Bộ Thương mại và Bộ Ngân khố phải gây áp lực với Bắc Kinh. Cụ thể là Bộ Thương mại phải nghiên cứu xem việc duy trì hối suất đồng NDT quá rẻ có là một hình thức "trợ giá xuất khẩu" không. Và Bộ Ngân khố phải cho biết là hối suất ấy có là một hình thức "lũng đoạn hối đoái" không. Nếu mà đúng thì thuần về pháp lý, Mỹ có quyền trả đũa.

Từ tháng 4/2010, Bộ Thương mại Mỹ trì hoãn câu trả lời là có nghiên cứu hay không, vì là "một vấn đề phức tạp", và hẹn qua tháng 6, rồi lại lửng lơ không quyết. Bộ Ngân khố cũng vậy, vì muốn gây áp lực cách khác thay vì chính thức kết án và mở ra một cuộc tranh tụng rắc rối, lâu dài. Trong khi ông Obama lại cần sự hợp tác của Trung Quốc trong nhiều hồ sơ khác, như Iran hay CHDCND Triều Tiên. Vì vậy, vấn đề chỉ được nêu ra một cách chung chung, trong các diễn đàn khác như Thượng đỉnh G20 hay Đối thoại Mỹ - Trung về chiến lược và kinh tế...

Còn hơn một tháng là dân Mỹ đi bầu, một số dân biểu nghị sĩ bèn hâm nóng hồ sơ này để chứng tỏ với cử tri là mình quan tâm đến việc làm của họ. Ngày 29/9, các dân biểu Mỹ đã chấp thuận dự luật với 348 phiếu thuận và 79 phiếu chống. Dự luật này cho phép áp đặt thuế quan đánh vào các sản phẩm từ các quốc gia nào cố tình giữ cho giá trị tệ của họ thấp một cách giả tạo. Tuy nhiên, theo giới phân tích Thượng viện chưa chắc đã thông qua dự luật trên của Hạ viện trong tháng 10 này.

Thực tế thì các chính khách, vốn dĩ rất hiểu luật, đều biết là chưa chắc hồ sơ kiện Trung Quốc là trợ cấp xuất khẩu nhờ đồng NDT quá rẻ đã được WTO thụ lý. Chỉ vì định nghĩa pháp lý chính xác và thu hẹp của khái niệm "trợ cấp xuất khẩu". Giải pháp cứu vãn là tháng 10 này, Bộ Ngân khố Mỹ sẽ công bố phúc trình bị đình hoãn mãi, trong đó có một câu buộc tội đáng tiền. Là yêu cầu WTO cứu xét chế độ hối đoái của Bắc Kinh, nếu có chuyện lũng đoạn ngoại tệ là sẽ cho nổ lớn... trên mặt báo. Vì WTO phải mất nhiều năm nghiên cứu và xử nhưng dân Mỹ lại đi bầu vào tháng 11 tới rồi. Vậy là ông Obama ghi điểm.

Một biện pháp mạnh và đơn phương có thể gây ra cơn địa chấn quá sức chịu đựng của chính quyền Obama. Thí dụ như quan hệ mậu dịch đảo lộn làm Trung Quốc bị nhập siêu sẽ khiến các thị trường quốc tế rối loạn, với hiệu ứng lan rộng ra ngoài mà đảng Dân chủ không thể chống đỡ nổi. Nhẹ nhất trong các kịch bản vẫn là việc Bắc Kinh sẽ trả đũa và đe dọa các doanh nghiệp Mỹ đang kiếm tiền tại Trung Quốc: họ đã đứng trên tuyến đầu để ủng hộ và khuyên giải chính quyền ở nhà là đừng quá ép Trung Quốc mà gây ra chiến tranh ngoại thương khiến đôi bên cùng thiệt hại. Và bề nào, chính quyền Obama cũng vẫn kiên nhẫn trông chờ sự hợp tác của Bắc Kinh về nhiều vấn đề nóng của thế giới...

Bang giao Mỹ - Trung hiện đi vào khúc quanh mà tranh chấp là tất yếu và đang thể hiện dưới nhiều khía cạnh khác nhau về thương mại, kinh tế, lẫn chính trị, an ninh. Nhưng Trung Quốc chỉ là đối tác kinh tế chứ không là đồng minh của Mỹ. Cho nên việc Mỹ thay đổi chính sách và gây sức ép với Trung Quốc sẽ càng xảy ra đa diện và quyết liệt hơn.

Nhưng chính quyền Obama chưa có khả năng - lẫn ý chí - tiến hành việc đó, nhưng sẽ không tồn tại lâu dài, phải chờ đợi kỳ bầu cử năm 2012. Sau đó thì mới thấy có xoay chuyển lớn với một tầng lớp lãnh đạo mới của cả hai quốc gia hay không. Cho nên, chuyện múa may hiện nay của Quốc hội mãn nhiệm ở Mỹ chỉ nhắm vào mục tiêu tái đắc cử của một số người. Trận chiến lớn đang được chuẩn bị ở nơi khác.

ĐỌC THÊM