Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Mỹ - Trung tiến gần chiến tranh thương mại?

 Chính quyền ông Donald Trump đang tập trung làm tổn thương mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên

 

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ tiếp tục xấu đi bất chấp hai nước ký kết các thỏa thuận trị giá 250 tỉ USD trong chuyến thăm Bắc Kinh gần đây của Tổng thống Donald Trump.

Tăng cường trừng phạt

Tác động tiêu cực mới nhất đến từ việc Bộ Tài chính Mỹ hôm 21-11 thông báo trừng phạt 13 công ty Trung Quốc và Triều Tiên bị cáo buộc giúp Bình Nhưỡng né tránh những biện pháp hạn chế về hạt nhân và hỗ trợ quốc gia này thông qua thương mại.

Những biện pháp này cho thấy chính quyền ông Donald Trump đang tập trung làm tổn thương mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên, được xem là đóng vai trò quan trọng trong chiến lược gây sức ép để buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho rằng việc trừng phạt thêm công ty Trung Quốc sẽ không làm giảm bớt sự hợp tác của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên. Tuy nhiên, phản ứng của Bắc Kinh cho thấy Washington có lẽ quá lạc quan. "Trung Quốc phản đối mạnh mẽ những biện pháp trừng phạt đơn phương bên ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc" - đại sứ quán Trung Quốc tại Washington tuyên bố hôm 21-11.

Tuy nhiên, căng thẳng trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới không chỉ liên quan đến chuyện trừng phạt. Tờ South China Morning Post hôm 22-11 nhận định mối quan hệ này có thể thêm bất ổn bởi một loạt cuộc điều tra của Washington nhằm vào Bắc Kinh.

Bên cạnh đó, các nghị sĩ Mỹ còn tăng cường "soi" hoạt động đầu tư của Trung Quốc sau khi một nghiên cứu mới giải mật của Lầu Năm Góc nhận định hoạt động này sẽ góp phần giúp Bắc Kinh có lợi thế về quân sự.

Một dự luật của hai thượng nghị sĩ John Cornyn và Dianne Feinstein đang nhận được nhiều ủng hộ tại quốc hội Mỹ. Nếu được ban hành, luật sẽ mở rộng những thủ tục kiểm tra của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS).

Theo đánh giá của hãng luật Stroock & Stroock & Lavan (Mỹ), những đòi hỏi mới của dự luật đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều thương vụ thâu tóm của Trung Quốc bắt buộc chịu sự xem xét của CFIUS.

Mỹ - Trung tiến gần chiến tranh thương mại? - Ảnh 1.

Một nhà máy sản xuất thép ở tỉnh Chiết Giang - Trung Quốc. Thép xuất khẩu
Trung Quốc đang là mục tiêu điều tra của Mỹ Ảnh: REUTERS

Nhiều cuộc điều tra

CFIUS ra đời nhằm ngăn việc chuyển giao cho các đối thủ của Mỹ những công nghệ lưỡng dụng tiên tiến, tức loại công nghệ có thể điều chỉnh để phục vụ mục đích quân sự.

Giờ đây, các nhà làm luật Mỹ còn kêu gọi ủy ban này "soi" cả những thỏa thuận cho phép các công ty Trung Quốc kiểm soát những dữ liệu giúp định danh cá nhân.

Theo giới phân tích, những dữ liệu như thế có thể khiến giới chức hoặc quân nhân Mỹ trở thành mục tiêu tống tiền hoặc lôi kéo làm gián điệp.

Một mối đe dọa khác là cuộc điều tra của Washington về quy định gây tranh cãi của Bắc Kinh, theo đó buộc công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ cho đối tác kinh doanh địa phương.

Cuộc điều tra có thể dẫn đến hành động thương mại đơn phương của Mỹ, như đánh thuế để bù đắp những thiệt hại mà công ty nước này hứng chịu do những quy định thương mại tại Trung Quốc hoặc đưa vụ việc ra Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Bà Anna Ashton, chuyên gia tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, nhận định nếu Washington đơn phương hành động, có nguy cơ họ sẽ không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, từ đó đe dọa khơi mào chiến tranh thương mại.

Chưa hết, Bộ Thương mại Mỹ còn đang điều tra tác động của việc nhập khẩu thép và nhôm đối với an ninh quốc gia - một hành động được cho là nhằm vào Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tổng thống Donald Trump hồi tháng 7 từng cáo buộc Bắc Kinh bán phá giá thép để hủy hoại ngành công nghiệp thép của Mỹ, cũng như cảnh báo sẽ ngăn chặn bằng những biện pháp như áp đặt hạn ngạch, đánh thuế…

Dĩ nhiên Trung Quốc có nhiều lựa chọn trả đũa và giới phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng chúng. Chẳng hạn, doanh nghiệp Mỹ khi hoạt động tại Trung Quốc có thể đối mặt một số rủi ro liên quan đến các đạo luật chống độc quyền, chống tham nhũng và bảo vệ người tiêu dùng.

Hối lộ triệu USD?

Chính phủ Cộng hòa Chad hôm 21-11 bác bỏ các cáo buộc của giới chức điều tra Mỹ cho rằng Tổng thống Chad Idriss Deby nhận hối lộ 2 triệu USD từ cựu lãnh đạo cơ quan nội vụ Hồng Kông Patrick Ho Chi-ping, để một tập đoàn năng lượng Trung Quốc giành quyền khai thác dầu ở quốc gia Trung Phi này.

Mặc dù khẳng định cáo buộc trên là sai trái song tuyên bố của chính phủ Chad không cho biết liệu Tổng thống Deby có dịp nào gặp gỡ ông Ho, vốn là lãnh đạo một tổ chức phi chính phủ (NGO) được Tập đoàn CEFC China Energy tài trợ hoàn toàn, hay không. NGO nói trên là tổ chức nghiên cứu Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc - giữ vị trí cố vấn đặc biệt tại Hội đồng Kinh tế - xã hội của Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Theo báo The South China Morning Post, CEFC China Energy là ngôi sao đang lên của ngành công nghiệp năng lượng Trung Quốc, có trụ sở tại Thượng Hải. Công ty này giữ nhiều cổ phần trong các dự án toàn cầu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Liên quan tới bê bối hối lộ, ông Ho cùng cựu ngoại trưởng Senegal Cheikh Gadio bị giới chức Mỹ bắt giữ tại New York hồi cuối tuần rồi và đang đối mặt án tù lên tới 20 năm.

Dẫn các trao đổi email thu thập được, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết ông Ho và Tổng thống CH Chad đã gặp nhau năm 2014 và 2015, trong đó có một cuộc gặp tại villa tổng thống của ông Deby giữa sa mạc.

Ông Ho bị cáo buộc "tặng" 2 triệu USD cho Tổng thống Deby để đổi lấy đặc quyền cho công ty mà ông đại diện khai thác dầu ở Chad mà không phải cạnh tranh với đối thủ khác.

Giới chức điều tra cho biết ông Ho đã lôi kéo cựu Ngoại trưởng Gadio - có quan hệ tốt với ông Deby - vào phi vụ này với lời hứa lót tay 400.000 USD.

Ngoài ra, ông Ho cũng bị cáo buộc dàn xếp một khoản hối lộ 500.000 USD trả vào một tài khoản của Ngoại trưởng Uganda (Sam Kahamba Kutesa) - vốn giữ chức chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 69.

Những khoản chi trả cũng như hứa hẹn này là để đổi lấy sự giúp đỡ của ngoại trưởng Uganda nhằm giành lợi thế kinh doanh cho công ty của Trung Quốc, bao gồm khả năng thu mua một ngân hàng Uganda.

Trên trang web chính thức của mình, CEFC China Energy tuyên bố cực kỳ quan ngại về vụ việc, đồng thời nhấn mạnh họ không có quan hệ thương mại nào với tổ chức Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc - nơi ông Ho là tổng thư ký của Ủy ban Quỹ phi chính phủ của tổ chức này tại Hồng Kông.

"CEFC China Energy không có các hoạt động đầu tư ở Uganda trong khi các dự án đầu tư ở Chad của công ty không dính líu tới cái gọi là mối quan hệ lợi ích với chính phủ nước này" - tuyên bố nêu rõ.

Thu Hằng

Nguồn tin: Người lao động

ĐỌC THÊM