Động thái này có thể sẽ làm gia tăng các tranh chấp thương mại vốn có giữa hai quốc gia này.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ nêu rõ kết quả điều tra ban đầu cho thấy các nhà xuất khẩu ống khoan dầu của Trung Quốc đã được trợ giá khoảng 15,72%, dưới nhiều hình thức như các khoản vay lãi suất thấp từ các ngân hàng quốc gia, những ưu đãi về thuế xuất khẩu, giá thuê đất rẻ tại các "đặc khu kinh tế" và giá nguyên vật liệu rẻ từ các công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Do vậy, bộ này sẽ yêu cầu Cơ quan Hải quan và Biên phòng của Mỹ thu lại một khoản đặt cọc bằng tiền mặt hoặc bằng trái phiếu dựa trên mức thuế ban đầu này.
Các công ty và nghiệp đoàn ở Mỹ còn muốn áp đặt các loại thuế bổ sung lên tới 274% nhằm chấm dứt tình trạng mặt hàng này của Trung Quốc được bán vào Mỹ với giá thấp không công bằng. Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng Tám tới.
Ngành công nghiệp thép của Mỹ là ngành rất tích cực tìm kiếm sự bảo vệ nhằm chống lại tình trạng nhập khẩu hàng hóa ồ ạt từ quốc gia đông dân nhất thế giới.
Tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã quyết định áp đặt thuế chống bán phá giá hàng hóa lên tới 143% và thuế chống trợ giá lên tới 437% đối với các sản phẩm dây thép nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ này mới đây cũng đã áp đặt mức thuế hơn 200% đối với sản phẩm lưới thép dùng trong công nghệ lát sàn công nghiệp, đóng tàu...
Các nhà kinh tế cảnh báo những hành động bảo hộ của chính quyền Mỹ sẽ làm phương hại mối quan hệ thương mại Trung-Mỹ, vốn ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trên toàn cầu.
Gần đây, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới duy trì sự cảnh giác đối với chủ nghĩa bảo hộ vì sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu./.