Thị trường trong thời gian gần đây luôn biến động cùng chiều với cung – cầu, cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô. Trong suốt tháng 03 và 04, sản lượng thép của Trung Quốc leo lên mức kỷ lục, riêng trong tháng 04, sản lượng đạt 55,4 triệu tấn, tuy nhiên biến cố chính sách thắt chặt tín dụng và bất động sản của chính phủ như một gáo nước tạt vào thị trường thép đang hừng hực cháy, thêm vào đó, khủng hoảng tài chính ở châu Âu giáng thêm một đòn nữa dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa cung cao – cầu yếu. Nhưng chúng ta hiểu rằng những tác động tiêu cực đó đòi hỏi cần có thời gian để lắng dịu cũng như cần thời gian để điều chỉnh lại xu hướng.
Hiện rất ít nhà máy cán thép có thể sản xuất thép cuộn cán nóng HRC với chi phí chỉ 4.400 NDT/tấn (bao gồm VAT), và thép cây với giá chỉ 4.200 NDT/tấn. Cứ cho chi phí sản xuất thép cuộn HRC là 4.200 NDT/tấn và thép cây là 4.100 NDT/tấn, thì giá cả thị trường ở một số thành phố lớn như Thượng Hải không thể bán thấp hơn được, trừ phi các nhà sản xuất và các thương nhân chấp nhận bán lỗ. Hơn nữa, nếu ba nhà cung cấp quặng lớn nhất nước này nâng giá bán quặng thêm 15 USD/tấn nữa trong quý Ba, đồng nghĩa với chi phí của các nhà máy sản xuất tăng lên, liệu có cơ hội nào cho giá thép giảm nữa hay không.
Cứ cho là nền kinh tế thế giới sẽ chạm đáy lần nữa do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng nợ từ châu Âu, tức sẽ đẩy thị trường chứng khoán Trung Quốc và các thị trường kỳ hạn rơi vào vòng xoáy tồi tệ, làm giảm mạnh nhu cầu đối tích trữ hàng và kéo giá giảm xuống. Trong trường hợp này kinh tế vĩ mô của Trung Quốc từ lạm phát sẽ chuyển ngay sang giảm phát. Tuy nhiên cần lưu ý rằng Trung Quốc hiện vẫn đang là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế như vũ bão, chắc chắn chính phủ nước này khó có thể để giả thuyết này trở thành sự thực, đặc biệt khi chính phủ vẫn đang thực hiện nhiều biện pháp để duy trì đà tăng trưởng ổn định nền kinh tế trong nước.
Trong ngắn hạn, giá thép có thể sẽ tiếp tục dao động gần với mức chi phí sản xuất. Tình hình cung – cầu trên thị trường thay đổi, cũng như chi phí sản xuất khác nhau ở các nhà máy sẽ là yếu tố tiên quyết để các nhà máy cắt giảm sản lượng nhằm tìm lại sự cân bằng trên thị trường. Thêm vào đó, nền kinh tế tổng thể và các điều kiện thị trường bình ổn trở lại, tất nhiên sẽ hỗ trợ cho giá cả tiếp tục theo chiều hướng tăng.