Ngày 27 tháng 1, bộ công nghiệp và Công nghệ thông tin công bố trước giới truyền thông đại chúng, trong năm 2009, Trung Quốc đào thải được 16,910,000 tấn công suất thép và 21,130,000 tấn công suất sắt lạc hậu, công nghệ cũ kỹ và gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, bản dự thảo “Kế hoạch sắp xếp cắt giảm sản lượng năm 2009” chỉ đề ra chỉ tiêu: “đào thải 6,000,000 tấn công suất thép và 10,000,000 tấn công suất thép dư thừa”. Nếu so với con số thực, Trung Quốc đã vượt chỉ tiêu hơn gấp đôi.
Trong bài phát biểu, tổng phụ trách dự án, ông Zhu Hongren cho biết, do môi trường hiện đang phải đối mặt với trạng thái khủng hoảng nặng nề, nhất là tại các khu công nghiệp. Do đó, mục tiêu đào thải những nhà máy thép công nghệ lạc hậu chưa bao giờ cấp bách như bây giờ.
Để lên kế hoạch, triển khai thực hiện và giám sát dự án trên, từ năm 2007 đến cuối năm 2009, Trung Quốc đã chi ra 15.5 tỷ Nhân Dân Tệ. Số tiền trên dùng để tài trợ các doanh nghiệp nâng cấp kỹ thuật, sát nhập hoặc hỗ trợ nếu doanh nghiệp thoái lui khỏi thị trường.
Theo số liệu của Bộ công nghiệp và Công nghệ thông tin, Trung Quốc hiện đang có khoảng trên 1,000 lò luyện cao, trong đó, có khoảng 295 lò luyện có dung tích trên 500 m3, có công suất khoảng 130 triệu tấn/năm. Lò thổi hiện có khoảng 458 lò, trong đó dung tích dưới 50 tấn có 195 lò, lò điện có 79 lò, công suất tổng cộng vào khoảng 160 triệu tấn.
Bộ công nghiệp và Công nghệ thông tin nhận xét về một bộ phận doanh nghiệp thép Trung Quốc: “Được xây dựng từ nhiều thập nhiên trước, trang thiết bị cũ kỹ, sản phẩm kém, chất lượng không ổn định, tiêu hao năng lượng”.
Theo thống kê sơ bộ, trong năm 2009, Trung Quốc sản xuất được khoảng 568 triệu tấn thép thô, tăng 13.5% so với năm 2008. Theo số liệu từ Cục cải cách Trung Quốc, năng suất hoạt động của các nhà máy thép năm qua khoảng 75.8%. Tính chung cả sắt và thép, sản lượng của Trung Quốc trong năm 2009 đã vượt qua 700 triệu tấn.
(Sacom)