Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Năm 2011, kinh tế sẽ bật dậy

Lãi suất cho vay sẽ giảm từ quý I-2011, kênh chứng khoán có nhiều cơ hội tăng trưởng. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý đưa ra trong hội thảo Nhận diện cơ hội và rủi ro năm 2011 nhìn từ vĩ mô đến ngành và thị trường chứng khoán do Vietstock tổ chức ngày 18-12.

Có giải pháp cho tỉ giá

Không rào đón nên khi mời phát biểu đầu tiên, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), nhận định năm 2011 kinh tế vĩ mô Việt Nam sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Những cụm từ như dư chấn tài chính, đại lạm phát sau khủng hoảng đã không còn thấy xuất hiện. Ông đánh giá trong 30 năm đầu của thế kỷ XXI, kinh tế châu Á trong đó có Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh.

Trong bức tranh tổng quan về nền kinh tế Việt Nam, ông Nghĩa nhận định rủi ro lớn nhất đang đe dọa hiện nay là vấn đề tỉ giá. Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Moodys Investors Service hạ tín nhiệm trái phiếu chính phủ và sáu ngân hàng Việt Nam mới đây cũng ở điểm này. Vì thế ông Nghĩa cho biết trong tuần tới, UBGSTCQG sẽ nhóm họp để tìm giải pháp và đề xuất với Chính phủ các phương án giải quyết ba vấn đề lớn. Đó là vấn đề tỉ giá, đôla hóa và thị trường vàng.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội thảo, ông Nghĩa nói rõ hơn về các giải pháp cho các vấn đề trên. Ông nói về tỉ giá các góp ý của chuyên gia kinh tế nước ngoài là tăng lãi suất để giảm áp lực. Chúng ta đã tăng rồi nhưng lãi suất tăng lên 20%/năm như hiện nay thì DN sẽ không sống nổi. Cách thứ hai là bán ngoại tệ ổn định thị trường nhưng cũng sẽ không kham nổi vì cầu thị trường quá lớn.

 

Báo chí vây quanh ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UBGSTCQG, bên ngoài hành lang hội thảo để hỏi về các giải pháp cho kinh tế vĩ mô.

 

“Cho nên giải pháp mà UBGSTCQG đưa ra và đề xuất lên Chính phủ có thể là dung hòa hai cách trên. Nghĩa là vẫn tăng lãi suất ở một mức nhất định, về lâu dài sẽ phải giảm và bán ngoại tệ ra thị trường để can thiệp” - ông Nghĩa cho biết.

Còn giải pháp để quản lý thị trường vàng, ông Nghĩa nói UBGSTCQG đã có đề án trình Chính phủ cho phép thành lập một sàn vàng tập trung ở Hà Nội. Giao dịch ở sàn vàng này dưới hình thức thông qua các chứng chỉ.

“Hội đồng vàng thế giới thì nói ở Việt Nam có hơn 1.000 tấn vàng trong dân (tương đương 46 tỉ USD), chúng tôi tham khảo ở một nguồn tin cậy thì được thông tin có khoảng 460 tấn (20 tỉ USD). Nhưng dù với con số nào thì khối lượng vàng trong dân này sẽ là một lực lượng đầu cơ lớn, nếu không kiểm soát được thì rất khó lường” - ông Nghĩa bình luận.

Ông Nghĩa cũng thông tin có thể trong quý I-2011 lãi suất cho vay sẽ hạ nhiệt khi lạm phát được giữ ổn định và Chính phủ có những giải pháp điều hành kinh tế linh hoạt, hợp lý hướng vào kỷ trị hơn là dùng biện pháp hành chính.

Chứng khoán sẽ có “lửa”

Dù vẫn còn nhiều băn khoăn nhưng khi trình bày, ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính khoa Tài chính DN - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho rằng năm 2011 kênh chứng khoán sẽ có cơ hội tăng trưởng. Cơ hội tăng trưởng được ông dẫn ra vì ba lý do. Đó là kênh chứng khoán Mỹ sẽ tăng điểm vào nửa đầu năm 2011. Lý giải cho việc tăng này, ông Chí dẫn ra chu kỳ tăng điểm bốn năm một lần của chứng khoán Mỹ và mức tăng mạnh thường xảy ra ở năm trước bầu cử. Thứ hai là nửa đầu năm 2011, các áp lực lạm phát, lãi suất chưa lớn nên thị trường có cơ hội tăng. Cuối cùng, ông dẫn thống kê trong 10 năm qua cho thấy các tháng 3, 4 và 12 là các tháng có tỉ suất sinh lợi cao nhất và là các tháng tăng điểm nhiều nhất. Điều này củng cố thêm niềm tin tăng điểm của kênh chứng khoán Việt Nam vào nửa đầu năm 2011.

“Nếu cuối năm nay thị trường đạt mức 520 điểm và cộng thêm nhiều thông tin tốt từ vĩ mô như lãi suất giảm, vốn nhà đổ vào… thì nhà đầu tư hãy nhập cuộc. Nếu VN-Index vượt mức 520 điểm khi hết năm tài chính thì tôi cũng sẽ nhảy vào thị trường” - ông Chí nói.

Trước băn khoăn của nhiều nhà đầu tư về cơ hội ngành nào có triển vọng trong năm tài chính mới, cổ phiếu nào hấp dẫn để đưa vào danh mục đầu tư…, ông Lê Văn Thanh Long, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh SMES TP.HCM, nói: “Có bảy nhóm ngành mà nhà đầu tư cần quan tâm. Đứng đầu là nhóm cổ phiếu khoáng sản, tiếp đến là nhóm cổ phiếu sản xuất và kinh doanh nông sản, cao su thiên nhiên, bất động sản, vật liệu xây dựng…”.

Ông Long nhận định chứng khoán Việt Nam đã mất ba năm kể từ lúc đỉnh 1.170 điểm (năm 2007) và qua chiêm nghiệm diễn biến thị trường từ cuối năm 2009 đến nay, có thể tạm thời kết luận VN-Index đang trong quá trình tạo đáy và tích lũy để đi lên. “Thông thường, một đợt sụt giảm 50% thường mất 1-2 năm để phục hồi và đợt sụt giảm 70%-80% như kênh chứng khoán Việt Nam năm 2007 sẽ mất 4-6 năm để phục hồi” - ông Long phân tích.

 

Vốn ngoại đang vào

Tôi quan sát khoảng bốn tháng nay đang có dòng tiền đầu tư nước ngoài đổ vào kênh chứng khoán Việt Nam. Dòng vốn này tuy vào chậm nhưng chắc, mỗi tháng trung bình khoảng 700 triệu USD. Số tiền này có thể sẽ làm chỉ số thị trường chứng khoán mỗi tháng tăng 10 điểm.

Ông Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch UBGSTCQG

Nhà đầu tư nội quyết định thị trường

Tôi cho rằng dòng tiền năm 2011 vào kênh chứng khoán chủ yếu từ các nhà đầu tư cá nhân. Nếu nhà đầu tư cá nhân thấy kinh tế vĩ mô ổn định, các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ… không hấp dẫn thì họ sẽ rót tiền vào. Ngược lại, khi thấy vẫn còn bất ổn thì dòng vốn này sẽ án binh bất động hoặc đổ vào các kênh đầu tư khác.

Ông Lê Đạt Chí, Trưởng bộ môn Đầu tư tài chính khoa Tài chính DN, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Kỳ vọng dòng vốn từ DN

Tôi kỳ vọng năm 2011 dòng vốn từ DN sẽ đổ vào kênh chứng khoán. Đầu tiên là tiền DN trả cổ tức cho nhà đầu tư. Vì năm 2010 nhiều DN phát hành cổ phiếu, hút vốn nhiều từ thị trường hơn đầu tư. Kế đến là hoạt động mua bán, sát nhập DN trên sàn. Chưa bao giờ việc mua bán, sát nhập DN lại sôi động như lúc này. Nhìn ở khía cạnh khác thì việc mua bán, sát nhập cũng là dòng tiền DN đổ vào chứng khoán.

Ông Lê Văn Thanh Long,

Trưởng phòng Phát triển kinh doanh SMES TP.HCM

 

Nguồn: Phapluat

 

 
 

ĐỌC THÊM