Kết thúc năm nay có thể ngành thép sẽ tồn kho khoảng 300 – 400 nghìn tấn. Con số này được xem là cao hơn bình thường.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA). Năm 2011 được xem là một năm khó khăn của ngành thép, đặc biệt trong tháng 6/2011 tiêu thụ chỉ đạt con số 298 nghìn tấn – một con số được xem là rất thấp trong những năm trở lại đây.
Tính chung 10 tháng của năm 2011 mức tiêu thụ chỉ tăng 1,52% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nghi dự báo, nếu mức tăng trưởng này tiếp tục được duy trì thì tính chung 11 tháng của năm 2011 ngành thép sẽ bị tăng trưởng âm so với năm 2010.
Theo ông Nghi, chi sách cắt giảm đầu tư công và chắt chặt tín dụng theo Nghị quyết 11 đã có tác động mạnh và trực tiếp đến ngành thép.
Về số lượng hàng tồn kho, ông Nghi cho biết: Kết thúc năm nay có thể ngành thép sẽ tồn kho khoảng 300 – 400 nghìn tấn. Con số này được xem là cao hơn bình thường (bình quân hàng tồn kho duy trì ở mức 230 nghìn – 250 nghìn tấn) nhưng không đến mức quá lo ngại. Bởi lẽ các doanh nghiệp hiện nay đang sản xuất cầm chừng nên số lượng hàng tồn kho sẽ không tăng thêm nhiều trong thời gian tới.
Về đầu tư mới, trong năm 2011 có 5 công ty cán thép có thể bắt tay vào sản xuất được, bao gồm: Thép Thái Trung (Thái Nguyên) 500 nghìn tấn; 3 nhà máy ở Đà Nẵng, công suất mỗi nhà máy là 250 nghìn tấn dự kiến tháng 12 tới đây sẽ xây lắp xong và một nhà máy ở Bình Dương công suất cũng 250 nghìn tấn...
Theo ghi nhận, trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các nhà máy này đều chưa có ý định đưa dây chuyền vào sản xuất.
Công suất thép cán cả nước trong năm qua là 9 triệu tấn; trong khi đó tiêu thụ trong nước dự kiến (bằng năm ngoái) là 5,6 triệu tấn (doanh nghiệp thành viên hiệp hội là 4.900 tấn, doanh nghiệp ngoài hiệp hội 700 tấn). Như vậy, công suất thép dư thừa năm nay sẽ khoảng 4 triệu tấn.
Chính vì thế, ông Nghi cho rằng cạnh tranh trong ngành thép sẽ vẫn tiếp tục khốc liệt trong thời gian tới; những doanh nghiệp có cơ cấu vốn vay cao, đầu tư lại không hợp lý sẽ rất khó tồn tại.
Nguồn tin: TTVN