Bằng cách giúp đỡ các công ty mới có nhiều sáng tạo trở thành các doanh nghiệp mang tầm cỡ lớn, các nhà hoạch định chính sách có thể tăng tốc độ hồi phục kinh tế một cách nhanh chóng. Và tương lai kinh tế được kỳ vọng sẽ thuộc về những doanh nghiệp trẻ tuổi.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là phương thuốc mới Giảm thuế, cứu trợ, và các gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp lớn thường được xem là "phương thuốc" giúp kinh tế tăng trưởng. Các nhà hoạch định chính sách tin rằng những công ty như General Motors, Citibank, và Intel tạo thành xương sống của nền kinh tế Hoa Kỳ. Họ nghĩ rằng nếu có nhiều chính sách hỗ trợ các công ty này đồng nghĩa với nhiều việc làm và tăng trưởng GDP. Tuy nhiên chính sách đó là sai lầm. Bởi chính các doanh nghiệp mới với quy mô nhỏ tạo ra nhiều việc làm nhất, và chỉ một vài công ty non trẻ với tính đột phá cao, sau khi trở thành doanh nghiệp lớn lại là đòn bẩy chính để GDP tăng trưởng. Các công ty cũ đang làm việc làm trở nên ít đi, trong khi các công ty mới đang ngày càng tạo thêm nhiều việc làm. Nếu nhìn vào bản báo cáo được Quỹ Kauffman công bố vào mùa hè năm ngoái, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra các công ty cũ làm giảm việc làm nhiều như thế nào. Từ năm 1977 đến 2005, những công ty này đã làm giảm khoảng 1 triệu việc làm mỗi năm. Trong khi đó, các doanh nghiệp mới trong năm đầu tiên hoạt động tạo ra trung bình 3 triệu việc làm mỗi năm. Theo báo cáo đó, các doanh nghiệp mới cũng tạo ra việc làm nhanh nhất: trung bình các công ty một năm tuổi tạo ra tổng cộng 1 triệu việc làm, trong khi các công ty 10 năm tuổi chỉ tạo được 300.000 việc làm một năm. Những doanh nghiệp non trẻ là nguồn động lực chính để tạo ra việc làm, và các doanh nghiệp đó xứng đáng là trọng tâm của các chính sách việc làm, chứ không phải những công ty lớn và đã tồn tại lâu năm.
Các công ty lớn như General Motors thường nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ
Thậm chí khi những nhà hoạch định chính sách có làm tốt việc "nuôi dưỡng" các doanh nghiệp mới thành lập và đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo, nước Mỹ cũng sẽ chỉ đạt lại con số 3% tăng trưởng GDP như trước khi xảy ra suy thoái. Làm thế nào để nền kinh tế này có thể tăng trưởng 4% một năm, tăng gấp đôi GDP trong vòng 18 năm, thay vì 24 năm? Nếu thực hiện được điều này hàng triệu người sẽ thoát khỏi cảnh khó khăn và rất nhiều việc làm sẽ được tạo ra.
Để trả lời câu hỏi này, Robert Litan từ Quỹ Kauffman mới đây đã xuất bản ấn phẩm Inventive Billion Dollar Firms: A Faster Way to Grow (Các công ty tỷ đô: Cách nhanh hơn để phát triển). Đây có thể coi là một lý luận súc tích ủng hộ cho việc giúp đỡ một vài doanh nghiệp mới và thực sự có tính đột phá, sáng tạo trở thành doanh nghiệp mang tầm cỡ lớn. Bao nhiêu doanh nghiệp là đủ? Có lẽ là ít hơn 60.
Những phân tích của Litan dựa trên công trình của nhà kinh tế học William Nordhaus tại Đại học Yale, người đã ước lượng rằng những gì các nhà sáng chế nhận được chỉ bằng 4% giá trị tài chính của các lợi ích mà xã hội có được từ những sáng chế của họ. Theo tính toán của Litan, để xã hội nhận được thêm 150 tỷ đô la (1% GDP), các nhà sáng chế/ các doanh nghiệp trẻ phải phát triển các sản phẩm, dịch vụ và quy trình mới và kiếm được lợi nhuận tổng cộng là 6 tỷ đô la một năm (4% của 150 tỷ đô la). Điều này tương ứng với doanh thu trung bình của 60 công ty trên đạt 1 tỷ đô la một năm, giả định tỷ lệ lợi nhuận là 10%.
Những công ty có tính đột phá và sáng tạo nhất thường kiếm được hơn 10% lợi nhuận, do vậy ước lượng 4% của Nordhaus có thể hơi "quá an toàn". Số công ty thực sự thành công và trở thành doanh nghiệp lớn có thể ít hơn nhiều - có thể chỉ cần 30 công ty. Và các công ty như thế này mang đến lợi ích cho nhiều doanh nghiệp khác bằng cách làm cho chiếc bánh kinh tế lớn hơn.
Có thể một nhà kinh tế mới đánh giá hết được tính chính xác của những điều Litan đã phân tích. Nhưng một người bình thường cũng sẽ đồng ý với những ví dụ Litan đưa ra về cái cách mà GE mở ra một thời kỳ mới cho nhân loại với công nghệ điện; Ford và GM cách mạng hóa ngành vận tải; Google, Apple và Facebook thúc đẩy công nghệ phát triển với những sản phẩm Internet, điện thoại và mạng xã hội trực tuyến; và cả các loại thuốc, thiết bị y tế và phương pháp điều trị đang ngày càng giúp cuộc sống của con người được kéo dài và trở nên chất lượng hơn.
Doanh nghiệp trẻ có khả năng "thay đổi thời cuộc"
Khi các doanh nghiệp thành công và ngày càng mở rộng quy mô cũng là lúc các doanh nghiệp đó ngừng sáng tạo. Ngoài Apple, một công ty liên tục đưa ra những công nghệ "thay đổi thời cuộc", khó có thể kể tên một công ty lớn nào khác có những sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Google là một công ty lớn trong lĩnh vự công nghệ, nhưng đó không phải là một công ty có tính sáng tạo. Sau khi cho ra đời hệ thống tìm kiếm và nền tảng quảng cáo, Google đã làm được những gì có ảnh hướng lớn đến thế giới?
Google đã phát triển một hệ thống email tốt và một vài phần mềm bản đồ, nhưng đó chỉ là những sáng tạo theo kiểu mở rộng quy mô của một ý tưởng sáng tạo khác. Các công ty lớn như IBM, Hewlett-Packand, Microsoft, Oracle, hay Cisco đã phát triển được những sản phẩm đột phá nào trong những năm gần đây? Giống như Google, những công ty này thường mua lại các công ty mới thành lập và tận dụng lợi thế về quy mô để đưa những sản phẩm sáng tạo của các công ty nhỏ thành sản phẩm phổ biến trên toàn thế giới.
Hỗ trợ các công ty non trẻ là cần thiết vì các công ty nhỏ với tính đột phá cao, sau khi trở thành doanh nghiệp lớn mới là đòn bẩy chính để GDP tăng trưởng |
Vì vậy nhiều người sẽ đồng tình với Litan rằng việc giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ có sáng tạo trở thành các công ty lớn là một điều cấp thiết. Quỹ Kauffman cũng đang có một ý tưởng mới về Phòng thí nghiệm Kauffman Ươm mầm doanh nghiệp trẻ, với mục tiêu là các ngành như công nghệ sinh học, năng lượng, và giáo dục. Thông qua các chiến dịch mạnh mẽ có quy mô quốc gia, chương trình này tìm kiếm những người có ý tưởng lớn nhưng không có điều kiện thành lập doanh nghiệp. Chương trình này sẽ hướng dẫn những người tham gia một số vấn đề cơ bản trong việc thành lập và phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra chương trình còn hỗ trợ tài chính, tham gia cố vấn và tạo điều kiện hình thành mạng lưới kinh doanh.
Năm ngoái chương trình của Kauffman đã tìm kiếm các nhà khoa học trẻ có những khám phá có thể áp dụng vào kinh doanh (nhưng thường chọn đi theo con đường nghiên cứu khoa học) và đã có 13 người mong muốn được thành lập doanh nghiệp. Trong số đó đã có chín người thành lập doanh nghiệp mới, chủ yếu ở lĩnh vực y sinh. Năm nay, chương trình tìm kiếm các doanh nhân với ý tưởng trong lĩnh vực giáo dục - các doanh nghiệp sản xuất dụng cụ học tập hoặc hình thức học mới ở tất cả các cấp, từ mẫu giáo cho đến sau đại học. Một vài công ty nhận được sự giúp đỡ của Kauffman có thể thành công và trở thành những công ty lớn.
Chương trình của Kauffman chính là những gì nước Mỹ cần để đưa nền kinh tế trở lại đúng quỹ đạo. Với tình trạng thâm hụt cao và thất nghiệp ở mức kỷ lục, Hoa Kỳ không có một nguồn tài chính dồi dào. Thay vì giúp đỡ các doanh nghiệp lớn, Hoa Kỳ nên đầu tư để có được nhiều hơn nữa các doanh nghiệp non trẻ nhưng sáng tạo và có khả năng "thay đổi thời cuộc".
Nguồn: VEF